Nhiều công trình cấp nước ở khu vực miền núi Thanh Hóa hư hỏng

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, tại khu vực 11 huyện miền núi có 554 công trình cấp nước nông thôn tập trung; trong đó có 189 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đang bị hư hỏng hoàn toàn, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Dù chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch đầu tư, sửa chữa các công trình này, thế nhưng nguồn kinh phí không có, điều này đã làm nhiều người dân miền núi thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

vna_potal_thanh_hoa_nhieu_cong_trinh_cap_nuoc_mien_nui_hu_hong_xuong_cap_7684118.jpg
Công trình bể chứa nước tại huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hoa bị hư hỏng, không thể sử dụng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Nhiều năm qua, được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, huyện miền núi Lang Chánh được đầu tư xây dựng 47 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ người dân, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân ở miền núi được sử dụng nước sạch trên địa bàn. Song, tới nay gần một nửa các công trình cấp nước đã không phát huy hiệu quả và bị hư hỏng nặng, không bảo đảm công năng để đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho người dân theo thiết kế, ảnh hưởng tới việc cấp nước cho người dân địa phương.

vna_potal_thanh_hoa_nhieu_cong_trinh_cap_nuoc_mien_nui_hu_hong_xuong_cap_7684120.jpg
Công trình cấp nước đầu nguồn thuộc bản Hắc, xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hoa bị hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Tại công trình cấp nước bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh thuộc dự án chương trình 135 được xây dựng nhằm phục vụ cấp nước cho hơn 30 hộ dân trong bản. Công trình này được xây dựng từ năm 2010, trải qua nhiều năm sử dụng và ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ hiện đã bị hư hỏng nặng và không còn sử dụng được nữa, và người dân đang phải dùng nước kéo từ trên mó về sử dụng làm nước sinh hoạt hàng ngày.

vna_potal_thanh_hoa_nhieu_cong_trinh_cap_nuoc_mien_nui_hu_hong_xuong_cap_7684122.jpg
Đường ống dẫn nước của công trình cấp nước đầu nguồn thuộc bản Hắc, xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hoá. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Hà Đắc Liên, bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết, tuyến đường nước của bản đã được làm lâu rồi, giờ đã xuống cấp trầm trọng do bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ, hiện các đường ống nước của công trình đã không còn sử dụng được và bà con trong bản đang phải tận dụng, kéo nước từ trên đồi về dùng tạm. Nhờ nhà nước hỗ trợ tu sửa đường nước sạch, hoặc xây một công trình cấp nước mới để phục vụ đời sống cho bà con trong bản.

vna_potal_thanh_hoa_nhieu_cong_trinh_cap_nuoc_mien_nui_hu_hong_xuong_cap_7684123.jpg
Công trình cấp nước đầu nguồn thuộc bản Hắc, xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hoa bị hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, trên địa bàn đang có nhiều công trình nước sinh hoạt, qua thời gian sử dụng một số công trình đã hư hỏng, không còn phát huy hiệu quả cấp nước cho dân. Thời gian tới, UBND huyện kiến nghị tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí tu sửa các công trình xuống cấp và đầu tư xây công trình mới, qua đó giúp tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn được nâng lên.

Tại huyện miền núi Quan Hóa, từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường và chương trình 135, huyện miền núi Quan Hóa được đầu tư 100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với khoảng 730 bể chứa nước. Tuy nhiên, đã có 50 công trình cấp nước bị hư hỏng nặng và gần 360 bể chức nước đã bị hư hỏng hoàn toàn, số công trình còn lại đều trong tình trạng hỏng một số bộ phận, không có khả năng tích nước, hoặc dẫn nước kém…

vna_potal_thanh_hoa_nhieu_cong_trinh_cap_nuoc_mien_nui_hu_hong_xuong_cap_7684121.jpg
Công trình bể chứa nước tại huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hoa bị hư hỏng, không thể sử dụng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua ống lấy nước trực tiếp từ mó nước, hoặc góp tiền khoan giếng và mua máy lọc nước về sử dụng, tuy nhiên đây chỉ là các giải pháp tạm thời, về lâu dài người dân rất cần nhà nước đầu tư các công trình cấp nước mới để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

vna_potal_thanh_hoa_nhieu_cong_trinh_cap_nuoc_mien_nui_hu_hong_xuong_cap_7684127.jpg
Công trình bể chứa nước tại huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hoa bị hư hỏng, không thể sử dụng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Phạm Bá Đương, bản Pọng Kame, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa cho biết, công trình cấp nước đầu nguồn của xã đã bị hư hỏng, đường ống dẫn nước xuống bản dài 1.600 mét cũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Toàn bản có 6 bể chứa thì có 3 bể đã bị hư hỏng, không thể sử dụng được nữa, gây khó khăn cho việc cấp nước cho người dân, đề nghị nhà nước sớm tu sửa hoặc xây mới một công trình cấp nước trên địa bàn, qua đó giúp người dân có nước sử dụng.

Theo UBND huyện Quan Hóa, nguyên nhân các công trình cấp nước xuống cấp, hư hỏng là do đặc thù vùng núi gần sông suối, hằng năm gánh chịu các đợt thiên tai bão, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, các công trình cấp nước tự chảy tại miền núi (chủ yếu là quy mô thôn, bản) có số lượng nhiều, nhưng quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản, giao cho UBND xã quản lý và được UBND xã giao cho tổ quản lý vận hành (thường là trưởng hoặc phó thôn, bản), chỉ được tập huấn quản lý vận hành và làm việc kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao.

Ông Lê Văn Nam, Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, trên địa bàn đang có 50 công trình xuống cấp hư hỏng và một số công trình không có nước để cấp cho bà con, nhất là vào mùa khô này. Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND huyện Quan Hóa đã kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước đã hư hỏng, xuống cấp, tạo điều kiện cho người dân miền núi được sử dụng nước sạch

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, để bảo đảm người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hàng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, nhất là tại các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh; trong đó, ưu tiên cho các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng và vùng khan hiếm nước, chưa có hệ thống cấp nước và ưu tiên đầu tư các xã đăng ký về đích nông thôn mới và nông thôn

Theo bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, sớm phê duyệt Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Thanh Hóa, từ nguồn vay vốn WB. Đối với các xã miền núi là khu vực không thu hút được doanh nghiệp đầu tư, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư cho khu vực này để xây dựng, nâng cấp các công trình đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ODA nhằm phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện sửa chữa, khắc phục các công trình hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo đảm mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn cho người dân. Đồng thời, ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, đặc biệt đối với các khu vực khó khăn về nguồn nước sạch tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm