Xây dựng thương hiệu - Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Gia Lai

Gạo Ba Chăm là sản phẩm được chứng nhận thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước 2. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Gạo Ba Chăm là sản phẩm được chứng nhận thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước 2. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Tỉnh Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất đai màu mỡ, rộng lớn với 2/3 diện tích là đất đỏ bazan, có điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, dược liệu, rau hoa chất lượng cao. Người dân Gia Lai đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để cho ra những sản phẩm bước đầu đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm một cách bền vững, cần đầu tư mở rộng sản xuất, tạo đầu ra ổn định, hướng đến thị trường lớn trong và ngoài nước.

Xây dựng thương hiệu - Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Gia Lai ảnh 1Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà đời sống người dân trên địa bàn huyện Đăk Đoa (Gia Lai) ngày càng tiến bộ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN                         

Phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm thế mạnh

Việc hướng dẫn về thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt đối với chủ sở hữu nhãn hiệu nông sản đặc thù, đặc trưng được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai chủ động tiến hành, bám sát quá trình đăng ký xác lập quyền, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tập hợp và in ấn tài liệu có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn có lịch sử hình thành lâu đời, có danh tiếng nhưng chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế nên gặp nhiều khó khăn trong phát huy giá trị, thương hiệu nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Xây dựng thương hiệu - Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Gia Lai ảnh 2Lúa Ba Chăm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tại huyện Mang Yang, Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thường được sử dụng nhằm khẳng định giá trị của các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định, hạn chế tình trạng làm hàng nhái. Vì vậy, việc tạo lập thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rất cần thiết, là cơ sở mang lại lợi thế trong sản xuất kinh doanh. Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sở hữu trí tuệ, tỉnh đã tích cực xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm thế mạnh và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn 2016-2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ và chủ trì lập hồ sơ xác lập quyền cho 14 sản phẩm địa phương, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, cụ thể: 8 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ gồm nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện, Rau An Khê, Rau Đak Pơ, Gạo Ia Lâu - Chư Prông, Phở khô Gia Lai, Bò Krông Pa - Gia Lai; chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Ba Chăm của huyện Mang Yang; chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồ tiêu của huyện Chư Sê; 4 sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ gồm Khoai lang Lệ Cần - Đak Đoa, Chôm chôm Ia Grai, Chanh dây Gia Lai, Mật ong hoa cà phê Gia Lai. Hai sản phẩm trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn gồm: chỉ dẫn địa lý Gia Lai cho sản phẩm cà phê, nhãn hiệu chứng nhận Thuốc lá Krông Pa.

Việc sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa lớn, tạo thương hiệu có tính bền vững cao. Đây là cơ sở để tỉnh Gia Lai tiếp tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện khoảng 30 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm đi thị trường gần 40 quốc gia: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Tropico Tây Nguyên... Các doanh nghiệp này đã mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tập trung chế biến sâu sản phẩm, qua đó khẳng định vị thế, uy tín của doanh nghiệp Gia Lai ở thị trường quốc tế.

Từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước


Đây là năm đầu tiên, gia đình ông Hồ Văn Lài ở thôn Hàm Rồng, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku (Gia Lai) mạnh dạn liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Tropico Tây Nguyên để sản xuất 2,5 ha cà phê robusta của gia đình. Tham gia chuỗi liên kết, vườn cà phê của gia đình ông Lài được thay thế mô hình canh tác theo phương thức tiên tiến từ quy trình chăm sóc đến khâu thu hái. Kết quả ban đầu cho thấy, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

“Sau khi liên kết sản xuất, vườn cà phê của gia đình không dùng các chất bảo vệ thực vật như: thuốc trừ sâu, thuốc trị gỉ sắt, thuốc cỏ; dùng phân hữu cơ để cà phê đạt tiêu chuẩn sạch. Hiện giá cà phê thuần ở địa phương là 8.500 đồng/kg. Khi liên kết đảm bảo chất lượng Công ty đưa ra, Công ty tới vườn thu mua được hỗ trợ thêm từ 500 đến 600 đồng/kg. Do vậy, bà con trồng cà phê năm nay rất vui”, ông Lài chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu - Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Gia Lai ảnh 3Cà phê đang chuẩn bị thu hoạch được Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên hướng dẫn, liên kết với người dân để nâng tầm giá trị và phê Việt trên thị trường quốc tế. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai, với sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 ước trên 200.000 tấn, với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã có 214 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sachi, măng le rừng… từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Điều này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 368 triệu USD, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm 2021.

Là điển hình trong việc phát triển thương hiệu, nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Tropico Tây Nguyên (thành phố Pleiku) đang liên kết với các hộ dân trồng cà phê robusta ở Gia Lai và cà phê arabica của Kon Tum để xây dựng thương hiệu với diện tích liên kết hơn 1.000 ha. Niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Công ty đạt 260 tấn nhân xanh sơ chế theo phương pháp Honey và Natural. Dự kiến, các năm tiếp theo, công suất sẽ tăng lên theo nhu cầu của thị trường. Công tyđã xuất khẩu sang thị trường Nga và Oman. Đặc biệt, niên vụ 2021-2022, Công ty đã xuất khẩu 200 tấn cà phê nhân xanh.

Ông Nguyễn Hải Phong, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Tropico Tây Nguyên cho rằng, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm, trước tiên phải chú trọng đến chất lượng cà phê từ nguồn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch để cho ra sản phẩm đồng nhất cả về mẫu mã cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Để thay đổi văn hóa cà phê trong người dân, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp chuyển giao phương tiện kỹ thuật và kiến thức giúp người dân canh tác theo quy trình khép kín, đưa chất lượng cà phê lên tầm cao mới.

Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như: Dứa, chanh dây, đậu tương, xoài… cùng các sản phẩm cô đặc và đông lạnh sang thị trường các nước châu Âu và Mỹ. Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu của công ty đạt khoảng 40 triệu USD, tăng xấp xỉ 126% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xây dựng thương hiệu - Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Gia Lai ảnh 4Dây chuyền sản xuất chanh leo của Công ty xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Ông Đinh Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Doveco Gia Lai thông tin, để đứng vững tại các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ, Công ty tập trung nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ lao động và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Để tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế, Doveco Gia Lai đã chủ động tạo bước đột phá trong khâu sản xuất, tập trung thay đổi mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, Công ty chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường... nhằm đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường quốc tế. Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Công ty chủ yếu là dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc (chiếm hơn 53%), nước chanh dây cô đặc (chiếm 24%), còn lại là rau chân vịt và các loại khác. Hàng năm, Trung tâm Chế biến rau quả của DOVECO Gia Lai sản xuất bình quân hơn 32.800 tấn sản phẩm rau quả các loại; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 70 triệu USD. Từ năm 2022 và những năm tiếp theo, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm rau quả đạt từ 36-42.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt từ 95-110 triệu USD/năm.

Xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường


Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, có nhiều yếu tố thuận lợi khiến nông sản Gia Lai xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng, đặc biệt vào các dịp lễ tại một số thị trường chính như châu Âu, Mỹ. Ngoài ra, việc mở cửa lại thị trường nhập khẩu trong điều kiện bình thường mới của các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á đã tạo thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nghiệp xuất khẩu. Giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao hơn 10% so với cùng kỳ, cá biệt giá xuất khẩu cà phê tăng hơn 20%.

Xây dựng thương hiệu - Giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Gia Lai ảnh 5Gạo Ba Chăm là sản phẩm được chứng nhận thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước 2. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, cho rằng, để thực hiện tốt công tác quản lý cũng như phát triển, nâng cao giá trị các thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông; tuyên truyền đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản về nhãn hiệu chứng nhận, lợi ích cũng như hiệu quả khi sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương.

Cùng với đó, tỉnh Gia Lai phải thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các địa phương trên cả nước. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham dự hội chợ, tìm kiếm và mở rộng thị trường ở các khu vực miền Bắc và miền Trung nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chủ lực địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường quản lý chất lượng, hậu kiểm các sản phẩm mang thương hiệu, các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương phải có trách nhiệm thực hiện tốt các cam kết theo quy định để giữ vững uy tín của thương hiệu.

Đồng thời, tỉnh tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng cường đào tạo, tập huấn cho người nông dân, từ đó họ áp dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch, theo tiêu chuẩn GAP, quy trình hữu cơ. Sản phẩm mang nhãn hiệu sản phẩm chủ lực địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm