Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nam

Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nam
Một góc thành phố Phủ Lý - trung tâm của hai trục phát triển du lịch tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Một góc thành phố Phủ Lý - trung tâm của hai trục phát triển du lịch tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Ngành Du lịch Hà Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020, lượng khách du lịch lưu trú tại tỉnh đạt 2,5 -3 triệu lượt người, trong đó có 190.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2030 lượng khách du lịch lưu trú đạt 7,6 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch của Hà Nam đạt 2.000 tỷ đồng vào năm 2020, đến năm 2030 đạt gần 10,300 tỷ đồng, tăng bình quân 10 - 15%/năm; tạo việc làm cho 21.000 lao động, trong đó có hơn 8.300 lao động trực tiếp.

Tỉnh Hà Nam tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái – tâm linh, du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch y tế nghỉ dưỡng – chữa bệnh, du lịch giải trí, du lịch xanh, trong đó trọng tâm là Khu Du lịch Quốc gia Tam Chúc, huyện Kim Bảng.
 
Khu du lịch Tam Chúc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch sẽ là điểm nhấn của phát triển du lịch Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Khu du lịch Tam Chúc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch sẽ là điểm nhấn của phát triển du lịch Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Ngành Du lịch tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Nam; phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham gia các hội nghị xúc tiến, hội chợ du lịch tại thị trường quốc tế truyền thống như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc …; phối hợp cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng như Pháp, Đức, Anh, Nga, Mỹ, Canada, Ấn Độ…; đón các đoàn Famtrip (các hãng lữ hành và truyền thông, báo chí…) nước ngoài đến khảo sát, viết bài quảng bá du lịch.

Ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam năm 2030 tầm nhìn 2050, du lịch Hà Nam sẽ phát triển theo hai trục: Trục Bắc - Nam với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sáng tạo gắn với khoa học công nghệ; trục Đông – Tây gắn với sản phẩm du lịch lễ hội, du lịch tâm linh và di tích lịch sử văn hóa. Tỉnh xác định các vùng phát triển du lịch nhằm tạo điểm nhấn cho du khách.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich Hà Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch, các trường đào tạo du lịch, các chuyên gia về du lịch tổ chức các lớp tập huấn , bồi dưỡng nâng cao năng lực xúc tiến du lịch và ngoại ngữ cho đội ngũ làm công tác du lịch cấp tỉnh, huyện, các doanh nghiệp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam kết hợp cùng VNPT Hà Nam triển khai dự án “ Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nam", giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nam đến du khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong tỉnh chủ động liên kết, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường du lịch.

Để quảng bá du lịch Hà Nam,các lễ hội tại địa phương như: Lễ hội Tịch Điền, Lễ hội Đền Lảnh Giang, Lễ hội đền Trần Thương, Lễ hội chùa Long Đọi Sơn.. tiếp tục được tổ chức gắn với các hội thảo, liên hoan văn hóa ẩm thực... nhằm kết hợp giữa văn hóa và phát triển du lịch.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, trong 9 tháng của năm 2018, hoạt động du lịch của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Toàn tỉnh đã đón trên 800.000 lượt du khách; trong đó có gần 747.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 187,7 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017./.
Đại Nghĩa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm