Xây dựng nông thôn mới ở Thuận Hòa

Xây dựng nông thôn mới ở Thuận Hòa
Giống lúa RVT của tổ hợp tác do ông Võ Văn Giai làm Chủ nhiệm được sản xuất theo kiểu đơn đặt hàng.
Giống lúa RVT của tổ hợp tác do ông Võ Văn Giai làm Chủ nhiệm được sản xuất theo kiểu đơn đặt hàng.
Trao đổi với ông Trịnh Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, chúng tôi được biết, hiện tại lộ trình xây dựng NTM của địa phương đang trong giai đoạn “vượt dốc”. Đi sau bài toán khó giải về tiêu chí thu nhập thì tiêu chí giao thông, trường học, hộ nghèo cũng là những điểm chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều. “Chia tách từ xã Thuận Hưng (cũ) từ năm 2007, xã Thuận Hòa bắt đầu ở xuất phát thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thiếu vốn, thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng NTM ở Thuận Hòa. Tuy nhiên, bằng nội lực sẵn có, địa phương đã đi từng bước vững chắc. Phần việc nào trong khả năng, xã chủ động làm trước. Hiện nay xã đạt 7 tiêu chí trên 19 tiêu chí cần thiết”, ông Trương Minh Cảnh cho biết.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung từng bước đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học... đồng thời vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cái khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ cùng với tình hình xâm nhập mặn lăm le đã có những tác động nhất định đến chất lượng, năng suất nông sản. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, người dân đã chú ý đến cơ giới hóa nông nghiệp, bộ mặt nông thôn ở Thuận Hòa đã có sự thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng dần lên và đạt 28 triệu đồng/người/năm. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đặc biệt chú ý mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: mãng cầu xiêm, cam, ổi... Những giải pháp đó không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống khó khăn, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định.

Một trong những hướng đi được nhiều người ủng hộ, đó là địa phương khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hướng người dân đến sản xuất tập trung. Nhận thấy khâu sản xuất lúa hàng hóa của địa phương sau một thời gian dài bộc lộ nhiều rủi ro, vì vậy, ông Võ Văn Giai, Chủ nhiệm Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa RVT ở ấp 1, xã Thuận Hòa, đi tham quan nhiều nơi và học hỏi những mô hình sản xuất mới, tìm kiếm các giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao về trồng thử nghiệm. “Tôi nhận thấy cần phải tìm cho được đầu ra và đầu vào ổn định cho cây lúa, thì mới nâng được thu nhập cho bà con mình. Mà con đường dễ đi nhất phải vào tổ hợp tác để liên kết lại mới thành công. Từ đó, tôi quyết tâm thành lập THT chuyên sản xuất lúa RVT để cải thiện thu nhập. Khi thấy làm ăn có lợi nhuận, bà con đăng ký vô THT nhiều lắm”, ông Võ Văn Giai chia sẻ. Bắt đầu từ mô hình sản xuất lúa RVT với 4 thành viên trong THT, chỉ sau 1 vụ sản xuất, THT đã có đến 13 thành viên tham gia với tổng diện tích đất khoảng 170 công. Giống lúa RVT của THT được sản xuất theo kiểu đơn đặt hàng. Vụ Đông xuân này, bà con nơi đây được đơn vị bao tiêu hỗ trợ giống, phân, thuốc và chi phí sản xuất. Giá lúa được đơn vị bao tiêu mức cố định là 5.200 đồng/kg, hợp đồng bao tiêu được thỏa thuận và ký kết giữa THT và đơn vị bao tiêu dưới sự đảm bảo của chính quyền địa phương.

“Để chương trình xây dựng NTM sớm phát huy hiệu quả ở xã còn lắm khó khăn như Thuận Hòa, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhằm từng bước tháo gỡ, giúp các xã này rút ngắn được khoảng cách với các xã khác, tạo lực để phấn đấu vươn lên thực hiện và hoàn thành các tiêu chí còn lại trên bước đường xây dựng NTM. Mong muốn trước mắt của xã là cần xây dựng thêm khoảng 11 cống ngăn mặn khép kín khoảng 700ha đất nông nghiệp phía Đông - Nam. Khi hoàn thành các cống này thì tiêu chí về thủy lợi cũng hoàn thành. Đây cũng là tiền đề giúp cho xã nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, xã có nhu cầu xây chợ để tăng nguồn thu thuế cũng như đáp ứng nhu cầu trao đổi buôn bán tại chỗ cho bà con”, ông Trịnh Minh Cảnh cho biết thêm.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm