Sáng 18/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Hai nhóm vấn đề lớn cần giải quyết trong Chương trình được Phó Thủ tướng nhấn mạnh đó là: Những vấn đề cấp thiết trong bảo tồn, phục dựng giá trị, di sản văn hóa bằng ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn lực xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, tư duy đổi mới trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam.
Xác định các nhóm mục tiêu khả thi
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ, một trong những mục tiêu lớn nhất của Chương trình là chuyển sức mạnh tinh thần nội sinh trở thành nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Chương trình phải đánh giá khái quát, toàn diện về vai trò, ý nghĩa của văn hóa trong lịch sử dân tộc cũng như một số tồn tại, yếu kém hoặc vấn đề mới đặt ra trong bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến xác đáng các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước, sớm hoàn thiện báo cáo thẩm định, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tiếp thu. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc và bám sát các văn kiện của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021). Đồng thời, Chương trình cần kế thừa, tiếp thu các chương trình, đề án, chiến lược phát triển lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành; tập trung triển khai thực hiện chương trình tổng thể với các cơ chế, chính sách đặc thù, tránh dàn trải nguồn lực.
Bên cạnh việc cho ý kiến về tên Chương trình, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phạm vi thực hiện "trước hết phải tập trung triển khai ở trong nước"; xác định rõ đối tượng để có các nhóm mục tiêu chấn hưng, bảo tồn, gìn giữ rõ ràng, từ đó đề xuất mục tiêu để khai thác bền vững, phát huy giá trị.
Nhấn mạnh, trong Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đều cần thiết xây dựng các tiêu chí chuẩn mực, Phó Thủ tướng gợi mở: “Có những nhiệm vụ có thể thực hiện ngay mà không cần kinh phí đầu tư như xây dựng bộ tiêu chí, chuẩn mức đạo đức nơi công cộng, trên môi trường số, trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và ngoài xã hội… dựa trên hệ giá trị văn hóa quốc gia”.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã giải đáp, cho ý kiến về một số vấn đề tồn tại trong quản lý nhà nước, cơ chế tài chính, đào tạo nguồn nhân lực... liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Phát huy sức mạnh nội sinh của toàn xã hội
Báo cáo nội dung Chương trình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Chương trình đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể; tập trung vào các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện, giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Nêu 10 yêu cầu, nguyên tắc đặt ra trong Chương trình, Thứ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong điều hành thực hiện Chương trình; tập trung huy động các nguồn lực tạo ra động lực tổng thể và chuyển biến đột phá cho phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo ngân sách cho xây dựng, phục dựng, trình diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống; khai thác tốt hơn khía cạnh kinh tế của văn hóa…
Chương trình gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Một số nội dung thành phần gồm: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới…
Đánh giá cao những nhiệm vụ trọng tâm nêu ra trong Chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh đề nghị, tên gọi của Chương trình cần căn cứ vào các văn kiện của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhấn mạnh việc thực hiện đồng thời nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, mục tiêu đặt ra là đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống tinh thần của mỗi con người, cộng đồng, dân tộc bằng sức mạnh nội sinh của toàn xã hội. Bên cạnh đó, yêu cầu, nguyên tắc đặt ra của Chương trình cần tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong từng giai đoạn cụ thể.
Một số ý kiến đề nghị phân định rõ mục tiêu tổng quát và nhóm mục tiêu cụ thể; đẩy nhanh việc lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành bảo đảm tiến độ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 tới; định lượng các nhiệm vụ, mục tiêu; đánh giá cụ thể nguồn vốn thực hiện chương trình, nhất là giai đoạn 2025-2030; xây dựng bộ tiêu chí xác định các nhiệm vụ, đề án cụ thể…
Diệp Trương