Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, có sự tham gia của cộng đồng là điều quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững. Điều này mang lại lợi ích to lớn trong thúc đẩy kinh tế - xã hội mỗi địa phương, đặc biệt, người dân được hưởng lợi từ chính di sản của cộng đồng.
Bảo tồn di sản văn hóa trong sự phát triển tiếp nối
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tiêu biểu nhất là du lịch văn hóa hay du lịch di sản. Tuy nhiên, di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi được sử dụng, phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một "cơ thể sống động" trong đời sống, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng, phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối...
Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất của nước ta đến nay sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Đây cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á. Nơi đây đang bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy du lịch xanh bền vững. Tỉnh có sáng kiến tổ chức Festival Ninh Bình - Tràng An thành sự kiện văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia, cũng là thương hiệu lễ hội riêng nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và tôn vinh các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Festival cho biết: Năm nay, Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II với chủ đề "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa" sẽ diễn ra từ ngày 26 -31/12 tại thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Festival lần này là lễ khai mạc được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh trong không gian huyền ảo của quần thể danh thắng Tràng An. Sông, núi, âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu mapping, múa đương đại, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… sẽ hòa quyện tạo thành một bức tranh đẹp. Tất cả sẽ kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, tinh hoa văn hóa các vùng miền đất nước. Đặc biệt là sẽ có 200 người lái đò trên bến Tràng An cùng trình diễn trong chương trình nghệ thuật...
Theo Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cho đến nay, các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của di sản này luôn được tôn trọng, gìn giữ. Nhận thức của địa phương, cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của di sản được nâng lên rõ rệt. Việc xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới.
Tốc độ tăng trưởng du lịch của khu vực này đã thay đổi nhanh vào năm 2015. Lượng khách tăng trưởng trên 39%; doanh thu từ du lịch tăng 50,72%. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2014-2019 của Ninh Bình. Trong 9 tháng năm 2023, tổng số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch ở Ninh Bình ước đạt trên 5,5 triệu lượt, tăng 99,1% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước đạt trên 5.000 tỉ đồng. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Trong 3 năm liền, Ninh Bình được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là một điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Các khu, điểm du lịch trong khu di sản là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch trên toàn tỉnh. Nguồn thu từ du lịch đóng góp đáng kể vào bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa tại khu di sản. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị di sản để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ, gìn giữ.
Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản có chuyển biến tích cực. Hơn 7.000 phụ nữ địa phương (chiếm 90%), tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch và bảo vệ di sản, chủ yếu là hoạt động chèo đò, đảm bảo an ninh, trật tự, dọn vệ sinh môi trường. Doanh nghiệp du lịch tôn trọng quyền lợi của cộng đồng địa phương bởi họ đều hiểu nếu cộng đồng trong di sản mà nghèo, khó có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả.
Du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Du lịch đã góp phần tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt, du lịch tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo và đời sống người dân ở nhiều địa phương.Việc gắn kết giữa du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa, di sản, môi trường sinh thái ngày càng được đẩy mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Tiêu biểu như ở Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên -Huế), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long...
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong xây dựng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa với hơn 40.000 di tích (hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt), 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh... Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhiều địa phương đã và đang hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa khá đa dạng. Có thể kể đến tuyến du lịch kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, tuyến du lịch di sản miền Trung, Festival Huế, Festival biển Nha Trang, lễ hội carnaval biển Hạ Long, Festival hoa Đà Lạt. Cùng với đó là các lễ hội ẩm thực và trái cây ở nhiều tỉnh, thành phố; chương trình nghệ thuật đặc sắc, như “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “À Ố Show”...
Các tuyến du lịch làng nghề cũng là sự lựa chọn hàng đầu của khách quốc tế khi đến Việt Nam. Nếu năm 2016, các di sản thế giới ở Việt Nam đón 14,3 triệu khách, doanh thu khoảng 1.776 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu khoảng 2.322 tỷ đồng.
Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”... Mới đây nhất, Nước ta tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2023 tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) ở thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Đây là lần thứ 4, Việt Nam đón nhận giải thưởng danh giá này, vượt qua nhiều ứng viên nặng ký là Ai Cập, Hy Lạp, Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil và Armenia. Các lần vinh danh trước của Việt Nam là vào năm 2019, 2020 và 2022.
Cùng với danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng. Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”. Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”. Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023...
Các danh hiệu, giải thưởng là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội; tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững. Việc này góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cộng đồng người dân, nỗ lực hướng tới phát triển bền vững.
Phát triển du lịch văn hóa là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam, cũng như xu thế phát triển chung của nhân loại. Toàn ngành Du lịch nước ta đặt trọng tâm phát triển du lịch văn hóa giúp Việt Nam trở thành điểm nút quan trọng trong khu vực và toàn cầu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thanh Giang