Tối 10/12, tại Quảng trường trung tâm thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã diễn ra Chương trình nghệ thuật "Bảo Lộc – Hương trà, Sắc tơ". Đây là chương trình nghệ thuật do UBND thành phố Bảo Lộc thực hiện, nằm trong chuỗi hoạt động chính của Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX năm 2022.
Chương trình nghệ thuật "Bảo Lộc - Hương trà, Sắc tơ" nhằm tôn vinh những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội đặc sắc của địa phương, đặc biệt là những giá trị, tiềm năng về con người và vùng đất Bảo Lộc, những giá trị mang tính đặc trưng của địa phương về ngành trà, dâu tằm, tơ lụa. Đây là dịp để cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội quý giá nhằm giao lưu, kết nối, quảng bá thương hiệu, hợp tác đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của địa phương.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc khẳng định, chương trình nghệ thuật nhằm tái hiện về mảnh đất, con người ở thủ phủ trà - tơ lụa Bảo Lộc trong suốt chặng đường hình thành và phát triển. Qua đó nhằm xây dựng thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc tiếp tục được người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn nữa, khẳng định Bảo Lộc xứng đáng với tên gọi là "Bảo Lộc - Thủ phủ trà và tơ lụa của Việt Nam".
Kết thúc phần lễ khai mạc, người dân và du khách cùng được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc chia thành 3 chương chính như một cuốn sử thi tái hiện sự hình thành và phát triển của mảnh đất B’Lao (tên gọi trước đây của thành phố Bảo Lộc).
"Khát vọng B’Lao" là phần mở màn với các ca khúc, hoạt cảnh kể về sự hình thành của vùng đất và con người B’Lao huyền thoại. Sau quá trình phát triển, năm 2010, thành phố Bảo Lộc được thành lập trực thuộc tỉnh Lâm Đồng và dần trở thành thành phố "Hương trà, sắc tơ". Đây cũng là hai mũi nhọn kinh tế của phố núi Bảo Lộc cho đến nay.
Trong khi trà là cây công nghiệp dài ngày, cho sản phẩm thu hoạch quanh năm và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương thì tơ lụa Bảo Lộc đã khẳng định là thủ phủ tơ lụa của cả nước và vươn tầm thế giới.
Hiện Bảo Lộc có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa, mỗi năm sản xuất hơn 1.100 tấn tơ, khoảng 5 triệu mét lụa. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, giá trị xuất khẩu của ngành dâu tằm, tơ lụa đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguyễn Dũng