Bến Tre xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Bến Tre xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Theo đó, giai đoạn 2020-2025, Bến Tre phát triển ngành công nghiệp tôm ứng dụng công nghệ cao được hình thành tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt 37.420 ha; trong đó, tôm nước lợ 35.520 ha, tôm càng xanh 1.900 ha. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 53 triệu USD. Cùng đó, Bến Tre rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao; đồng thời tập trung phát triển nhanh, mạnh đối tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi hai giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững... Các giải pháp được triển khai đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm… Cụ thể, tỉnh phát triển mô hình hợp tác, liên kết hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian. Một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả chuyển đổi thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát đối với vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm biển với mục tiêu đến năm 2020 đạt 1.200 ha nuôi tôm hai giai đoạn và sản lượng tôm biển khoảng 62.000 tấn. Tôm biển được xác định là một trong 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Người dân cũng nhận thấy được lợi ích cao từ việc nuôi trồng thủy sản nên mạnh dạn đầu tư khiến diện tích nước mặt dành cho nuôi trồng thủy sản gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, hình thức nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn đang được phát triển khá mạnh với diện tích 780 ha, sản lượng 12.000 tấn. Đây là hướng đi mới cho nghề nuôi tôm biển trên địa bàn bởi vừa đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản ổn định, vừa chủ động giảm thiệt hại do nước,  xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng. Bến Tre hiện có 35.000 ha nuôi tôm biển cho sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. Nghề nuôi tôm ở Bến Tre phát triển mạnh và khá lâu, đặc biệt là tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh. Thời gian qua, việc cải tiến kỹ thuật nuôi tôm biển thâm canh đã góp phần tăng sản lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Năng suất mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh đạt 8-tấn/ha/vụ; tôm sú 5,5 tấn/ha/vụ; quảng canh, tôm lúa từ 200- 250 kg/ha/vụ; nuôi tôm 2 giai đoạn với năng suất rất cao khoảng 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm công nghiệp cũng ảnh hưởng đến môi trường bởi người nuôi vẫn chưa có ý thức về việc sử dụng hóa chất, kháng sinh; việc phòng bệnh cho tôm, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường chưa được người nuôi quan tâm…
Công Trí

Có thể bạn quan tâm