Dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Gia Lai. Tính đến ngày 17/7, ngành y tế tỉnh đã ghi nhận 24 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria).
Đáng chú ý, chỉ trong khoảng 15 ngày sau khi phát hiện ca tử vong đầu tiên do bệnh bạch hầu, ngành y tế tỉnh Gia Lai liên tiếp phát hiện các ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại nhiều xã, trong đó đáng chú ý là ca bệnh tại xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai. Trước tình hình đó, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở làng O, xã Ia O là một bé gái 5 tuổi, khởi bệnh từ ngày 7/7. Gia đình tự mua thuốc về điều trị ở nhà 1 tuần, đến khi bệnh chuyển biến nặng thì gia đình mới cho cháu đến Trung tâm Y tế huyện khám và được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, người nhà cháu bé cho biết, trước đó cháu có tiếp xúc với người thân từ Kon Tum trở về. Bé gái 5 tuổi này cũng chưa được tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh nói trên, ngành y tế cùng chính quyền địa phương đã triển khai khám sàng lọc và cấp thuốc uống dự phòng bạch hầu cho trên 650 người dân ở làng O. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã thành lập 4 tổ tuyên truyền người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, hướng dẫn người dân uống thuốc kháng sinh dự phòng đủ liều trong vòng 7 ngày. Tại các vùng có ca bệnh bạch hầu thì việc uống kháng sinh dự phòng là yếu tố quan trọng để cắt đứt nguồn lây truyền bệnh. Song song với công tác tuyên truyền cho người dân, chính quyền địa phương cũng thành lập các chốt chặn cách ly đặt tại 4 cửa ngõ đi, ra vào làng.
Hiện nay công tác phòng chống dịch bạch hầu ở xã biên giới Ia O đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết người dân trong xã là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về bệnh, cách phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh thuộc các chương trình tiêm chủng mở rộng ở đây rất thấp. Theo thống kê tại xã Ia O, tỷ lệ tiêm chủng năm 2019 chỉ đạt 73%, riêng làng O - nơi có ca bệnh bạch hầu, chỉ khoảng 60%.
Chị Rơ Châm Byih, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ia O, huyện Ia Grai, cho biết: Người dân có quan niệm rằng khi đưa con đi tiêm thì con hay bị sốt, quấy khóc, đau yếu nên bố mẹ phải ở nhà chăm sóc mà không đi lao động được. Vì vậy, họ ngại đưa con đi tiêm phòng. Mặc dù xã đã đi vận động, tuyên truyền, giải thích rất nhiều nhưng vẫn rất khó lay chuyển nhận thức của họ. Một số người nhận thức còn sai lệch về công tác phòng bệnh cho con cháu, dẫn đến một số cháu không được tiêm hoặc tiêm không được đầy đủ.
Dự đoán tình hình dịch bệnh bạch hầu đang tiếp tục diễn biến phức tạp và khó tiên lượng, đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai đang tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cùng với chính quyền địa phương rà soát những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu để cho uống thuốc dự phòng.
Các cơ quan chức năng cũng tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế đi lại, nếu có biểu hiện sốt, ho thì đến ngay cơ sở y tế. Qua khám sàng lọc, cơ quan chức năng phát hiện 2 trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nên đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, toàn bộ người dân làng O đã được cấp phát thuốc dự phòng để cắt đứt nguồn lây. Ngành y tế địa phương sẽ sớm triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn xã.
Quang Thái