Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm

Những đóa hoa rừng tặng thầy cô nhân ngày 20/11. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Những đóa hoa rừng tặng thầy cô nhân ngày 20/11. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Cách trung tâm thị trấn Mường Tè gần 100km và cách thành phố Lai Châu gần 300km, xã vùng cao biên giới Thu Lũm có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm đa số. Với độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, thời tiết nơi đây mát mẻ quanh năm. Những ngày cuối Thu khi sương mù dày đặc, có thế cảm thấy rất rõ cái lạnh của mùa Đông đang đến gần.

Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm ảnh 1Những đóa hoa rừng tặng thầy cô nhân ngày 20/11. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Dừng chân tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) - một trong những xã xa nhất của huyện, khác với tưởng tượng của chúng tôi về trẻ em vùng cao biên giới thường rụt rè, nhút nhát, các em học sinh ở đây lại rất bạo dạn và lễ phép.

Tận tâm với học trò

Đến 11 giờ, giữa lúc đang mải miết vui đùa thì tiếng chuông vang lên, các em lập tức tập trung đi rửa tay rồi tự giác xếp hàng ngay ngắn để chuẩn bị ăn trưa. Bữa trưa tuy còn đạm bạc nhưng cũng có thịt, có rau, đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của các học sinh ở tuổi đang lớn…

Sau bữa ăn trưa, đến 12 giờ, tiếng chuông báo hiệu đi ngủ vang lên, toàn bộ học sinh bán trú ai ấy về phòng và tự giác lên giường ngủ. Các thầy, cô giáo được phân công phụ trách từng phòng sẽ đi kiểm tra việc ngủ, nghỉ của học sinh. Tiếng cửa phòng kẽo kẹt, khi thấy các em đã say giấc thầy giáo Lê Khắc Linh, giáo viên phụ trách bán trú nhẹ nhàng kéo chăn cho các em rồi khẽ bước chân ra ngoài. Sau đó, thầy Linh cùng các thầy cô giáo khác mới yên tâm đi ăn trưa.

Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm ảnh 2Ngoài việc nuôi dạy học sinh bán trú, các thầy cô tăng cường dạy học cho các em ở trên lớp. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Thầy giáo Lê Khắc Linh chia sẻ: Các em học sinh ở bán trú đều từ những bản xa về trường học, phải xa gia đình ngay từ nhỏ nên các thầy, cô giáo trong trường xem các em như những đứa con của mình, gần gũi, tận tâm, đùm bọc chăm sóc. Có như vậy học sinh mới gắn bó ở lại với trường và không bỏ học giữa chừng.

Để phụ huynh học sinh yên tâm khi gửi con ở trường, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm thay nhau hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chăm lo cho học sinh từ bữa ăn đến giấc ngủ. Thời gian các thầy, cô dành cho học sinh còn nhiều hơn thời gian giành cho gia đình, bản thân.

Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm ảnh 3 Ngoài giờ học tập, các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thu Lũm chăm sóc vườn rau. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Cô giáo Nguyễn Thị Vân là một cô giáo ở tỉnh miền xuôi Thái Nguyên, năm 2008 cô được phân công lên huyện Mường Tè công tác. Cô Vân chia sẻ, thời gian đầu, cô rất nhớ nhà vì ở trên này vừa buồn vừa hiu quạnh, thậm chí có lúc tưởng chừng như muốn bỏ dở giữa chừng. Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt ngây thơ của các em, cô lại thấy mình có động lực và có trách nhiệm ở lại mảnh đất này để dạy dỗ, dìu dắt các em…

Hơn 10 năm gắn bó với các em học sinh vùng cao, cô giáo Nguyễn Thị Vân thấu hiểu được những khó khăn vất vả đối với học sinh của mình. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, các em chỉ mới 6 tuổi mà đã xa vòng tay của gia đình nên các em còn bỡ ngỡ, chưa tự lo cho bản thân. Vì vậy, cô thường xuyên hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân từ chải đầu, đánh răng, tắm rửa… chăm lo cho các em từng chút, giống như người mẹ trong gia đình. Dù có vất vả nhưng nhìn thấy học sinh mạnh khỏe, trưởng thành, thầy cô nào cũng vui, phấn khởi.

“Tuy là một ngôi trường ở xa xôi, nhưng con người nơi đây sống rất tình cảm, thân thiện, chất phác. Ngày 20/11 hàng năm, các em học sinh đã tự tay hái những đóa hoa rừng mang tặng cô. Việc làm này khiến tôi rất vui và hạnh phúc, tôi chưa bao giờ thấy hối hận về quyết định của mình khi ở lại đây”, cô giáo Vân chia sẻ thêm.

Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm ảnh 4 Bữa ăn bán trú của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) có đủ rau, thịt. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

 Nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm có 14 lớp với 274 học sinh, hơn 98% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trong đó, có 156 học sinh ở bán trú, chiếm gần 57% tổng số học sinh toàn trường với 9 phòng ở.

Hầu hết các học sinh ở bán trú rất thích ở lại trường vì có nhiều thời gian học, được ăn ngon hơn, có nhiều bạn bè và được thầy cô chăm sóc rất chu đáo. Em Mạ Sú Phạ, học sinh lớp 5 (bản Coòng Khà, xã Thu Lũm) nhà em cách trường học 11 km chia sẻ: Em ở bán trú từ năm học lớp 3, ở đây em không phải đi xa và được thầy cô chăm sóc. Trước đây, khi chưa ở bán trú em hay nghỉ học hơn vì trời mưa rét là ngại, từ khi ở bán trú em không nghỉ buổi học nào.

Còn em Lý Phạm Hùng, học sinh lớp 5, bản Á Chè tâm sự: Nhà em cách trường hơn 20 km, thứ 6 hàng tuần, em được bố đến đón về nhà chơi rồi Chủ nhật lại đưa lên trường. Em rất thích ở trường học, ở đây em được ăn ngon hơn ở nhà, có nhiều bạn bè chơi cùng và được thầy cô dạy văn nghệ, đá bóng, trồng rau...

Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm ảnh 5 Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm, huyện Mường Tè hướng dẫn học sinh gấp chăn. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Trao đổi với phóng viên, thầy giáo Lỳ Xừ Po - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thu Lũm phấn khởi cho biết: Sau gần 5 năm thành lập, học bán trú đã nâng cao tính chuyên cần và ý thức tự học của các em. Số học sinh bỏ học giữa chừng ngày càng giảm, học sinh có nhiều thời gian tự học và thầy cô có nhiều thời gian quan tâm, kèm cặp học sinh. Từ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng được nâng lên.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm năm học 2020 - 2021 có 227 học sinh, trong đó có 175 học sinh ở bán trú. Hơn 97% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Hà Nhì chiếm đa số 81%). Trường có 6 phòng ở bán trú rất sạch sẽ, khu vực nấu nướng cũng được xếp ngăn nắp, gọn gàng.

Vượt khó nuôi dạy học sinh bán trú ở vùng biên giới Thu Lũm ảnh 6 Ở bán trú ngoài việc học các em học sinh có nhiều bạn chơi. Ảnh:  Việt Hoàng-TTXVN

Thầy giáo Nguyễn Văn Duy - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thu Lũm cho hay: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp các trường học duy trì sĩ số học sinh. Các em học sinh từng bước nâng cao nhận thức và có ý thức vươn lên trong học tập. Song song với việc dạy học, các em học sinh trong trường còn được các thầy cô rèn luyện kỹ năng sống như trồng rau, dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, cách tự chăm sóc bản thân…

Toàn huyện Mường Tè hiện có 37 trường với 628 lớp học và hơn 14.300 học sinh. Trong đó, có 17 trường phổ thông dân tộc bán trú với 183 lớp học. Hầu hết các trường có học sinh bán trú của huyện Mường Tè sau mỗi buổi học thường tổ chức múa hát tại sân trường, tập thể dục, vui chơi thể thao, trồng rau. Sau giờ ăn, từ 19 - 20 giờ 30 phút, các thầy cô giáo giúp các em ôn bài trên lớp, sau đó cho học sinh xem ti vi và nghỉ ngơi. Đến 21 giờ 15 phút học sinh bắt đầu đi ngủ.

Công tác tổ chức ăn, ở tập trung tại trường cho học sinh bán trú trên địa bàn huyện Mường Tè thời gian qua đã được đông đảo phụ huynh, học sinh ủng hộ. Chất lượng giáo dục vùng cao ngày được nâng lên, tỷ lệ học sinh ra lớp đầy đủ và duy trì sĩ số.

Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Mường Tè cho biết: Để chăm lo tốt cho các em học sinh bán trú, Phòng Giáo dục Mường Tè đã tham mưu với UBND huyện bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các phòng lớp học còn thiếu. Trong năm học này huyện đã xây mới 28 phòng học và cung cấp đầy đủ sách giáo khoa, giấy vở viết, đồ dùng, thiết bị dạy học. Cùng đó, Phòng thành lập đoàn kiểm tra đầu năm, tư vấn dạy học nơi vùng khó và chỉ đạo các trường bố trí giáo viên có năng lực trực tiếp phụ trách nuôi dạy học sinh bán trú.

Thời gian tới, ngành giáo dục Mường Tè mong muốn chính quyền các cấp, cần có sự quan tâm đầu tư, xây dựng hơn nữa về cơ sở vật chất cho các trường có học sinh bán trú để các em có điều kiện thuận lợi khi học tập cũng như sinh hoạt, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm