Cô giáo H'Khuin tận tình hướng dẫn từng nét chữ cho các em.
Ảnh: Dư Toán - TTXVN.
|
Cô giáo H’Khuin sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh chị em. Vốn mơ ước được làm cô giáo, lại nhìn thấy trong làng có nhiều em bị khuyết tật do di chứng của chất độc màu da cam nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô H’Khuin đã ước mơ được đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho các em nhỏ bị khuyết tật.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô H’Khuin thi vào ngành sư phạm mầm non tại trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang. Hai tháng sau, cô H’Khuin xin chuyển sang học ngành giáo dục đặc biệt.
Khi biết mình đăng ký theo học ngành giáo dục đặc biệt, cha mẹ và các anh chị trong nhà phản đối vì mọi người cho rằng học ngành này sau khi ra trường sẽ khó xin việc và đi làm cũng rất vất vả, cô H’Khuin chia sẻ. Thế nhưng với niềm đam mê và tâm huyết của mình, cô H’Khuin đã vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành khóa học vào năm 2010. Sau khi ra trường, do tỉnh Gia Lai chưa có các trung tâm nuôi dưỡng cho trẻ em khuyết tật nên cô H’Khuin phải đi dạy tại các trường tư trên địa bàn tỉnh, đối tượng chủ yếu là các em nhỏ bị bệnh tự kỷ.
Năm 2011, Hội Nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh Gia Lai mở Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam, trong đó có lớp giảng dạy dành cho các em nhỏ khuyết tật. Biết được điều này, cô H’Khuin đã nộp hồ sơ xin vào giảng dạy tại đây. Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được tâm lý của các em, cô giáo H’Khuin gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với các em. Thế nhưng, với lòng yêu nghề, thương các em nhỏ bị khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo H’Khuin đã vượt qua được những trở ngại ban đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dần dần, tình cảm giữa cô giáo H’Khuin và các em nhỏ được vun đắp và trở nên thân thiết như người một nhà.
Cô giáo H'Khuin giảng bài cho các em. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Một kỷ niệm khiến cô giáo H’Khuin không bao giờ quên về những “đứa con” của mình tại trung tâm, đó là vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2014, dù mang nhiều dị tật trên người, nhưng các em đã đi tìm cho bằng được hoa ở xung quanh lớp để tặng cô.
“Lúc đó, nước mắt mình cứ trào ra. Cảm giác như các em chính là những đứa con của mình vậy”, cô giáo H’Khuin nhớ lại.
Bà H’Nghia - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai cho biết, trong suốt những năm công tác tại trung tâm, cô giáo H’Khuin luôn nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm, dành hết tình thương cho các em. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn và có con nhỏ, nhưng cô H’Khuin luôn vươn lên, hoàn thành tốt công việc và chưa bao giờ có ý định sẽ bỏ nghề.
Với những cố gắng, nỗ lực trong công việc, cô giáo H’Khuin đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai và Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam./.