Vùng cao Sơn La thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế

Vùng cao Sơn La thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế

Từ ngày 1/7/2021, nhiều xã, bản tại tỉnh Sơn La không còn nằm trong vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên đồng bào dân tộc thiểu số không được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế như trước đây. Vì vậy, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tại tỉnh Sơn La đã giảm từ 95,7% xuống còn 82,7%. Trước thực trạng đó, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đang nỗ lực để tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế trong toàn dân.

Vùng cao Sơn La thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế ảnh 1Người dân làm thủ tục đăng ký khám bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Theo quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều xã thuộc các khu vực III, khu vực II, xã đạt chuẩn nông thôn mới được chuyển xuống khu vực I. Do đó, đối với xã ở khu vực I thì các đối tượng người dân tộc thiểu số không còn được ngân sách nhà nước cấp mua thẻ bảo hiểm y tế như trước đây.

Viêng Lán là một trong 3 xã của huyện Yên Châu đã được chuyển từ khu vực III xuống khu vực I trong năm 2021. Xã có 2.400 nhân khẩu thì có tới hơn 2.300 đối tượng thuộc diện không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế dành cho người dân tộc thiểu số. Từ khi chuyển về khu vực I, người dân trên địa bàn đã có nhiều băn khoăn vì không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế như trước kia. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền của ngành bảo hiểm huyện Yên Châu, nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn đã nhận thức rõ chủ trương của Chính phủ, cũng như việc cần thiết phải mua thẻ bảo hiểm y tế.

Ông Hoàng Văn Viền (bản Nà Và, xã Viêng Lán) chia sẻ, sau khi không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế như trước đây nữa, gia đình ông đã nhận thức được việc cần thiết phải tự mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình. Vì thế, gia đình ông sẽ chắt chiu một phần để tham gia bảo hiểm y tế, bởi nó mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người, khi không may trong nhà có người ốm đau sẽ đỡ được gánh nặng rất lớn về chi phí khám chữa bệnh.

Còn gia đình bà Lừ Thị Vình ở bản Nà Và, xã Viêng Lán, có người cháu mắc bệnh tim bẩm sinh. Hơn 14 năm qua, năm nào gia đình cũng phải đưa cháu đi viện khám chữa bệnh, nên bà hiểu rất rõ nếu không có thẻ bảo hiểm y tế thì gia đình bà không thể có điều kiện chữa trị cho cháu. Vừa qua, mặc dù không được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, nhưng bà đã cố gắng vận động và đã mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình. Bà Lừ Thị Vinh chia sẻ, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng bà vẫn cố gắng thu xếp để mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình, bởi nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, gia đình bà sẽ không thể lo đủ tiền viện phí, thuốc men cho cháu.

Hiện nay, công tác tuyên truyền cho các hộ người dân tộc thiểu số mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình tại các địa bàn vùng cao ở Sơn La còn gặp nhiều khó khăn, do một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm vào đó, nhiều hộ dân mặc dù không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nhưng kinh tế vẫn còn khá khó khăn. Ngoài ra, chi phí tham gia bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cũng tương đối lớn so với mức sống của người dân.

Ông Hà Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Viêng Lán cho biết, thời gian qua, xác định việc tuyên truyền là khâu then chốt để người dân nâng cao nhận thức. Chính vì thế, cán bộ ngành bảo hiểm xã hội thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp. Việc tuyên truyền được thực hiện từ hệ thống loa phát thanh cơ sở, đến việc tổ chức các hội nghị, hoặc trực tiếp đến từng nhóm hộ dân. Sau khi người dân đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm y tế, họ sẽ chủ động thu xếp tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Năm 2021 trên địa bàn huyện Yên Châu có 3 xã chuyển từ khu vực III về khu vực I, với tổng dân số trên 10.000 người. Trong đó, đối tượng người dân tộc thiểu số không còn thuộc diện được nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế là gần 7.000 người. Đây là con số tương đối lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của ngành bảo hiểm với chính quyền địa phương trong việc thu hút đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế.

Ông Tống Văn Thắng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Yên Châu cho biết, Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tác động rất lớn đối với người dân trên địa bàn huyện Yên Châu. Đây là vấn đề khó khăn để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế trong thời gian tới, do điều kiện kinh tế của người dân chưa phát triển, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập chưa cao. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, giúp người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế. Đơn vị đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2021, đạt 87% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La, từ ngày 1/7/2021, số người tham gia bảo hiểm y tế tại địa phương này giảm khoảng 186.000 người, tương ứng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế giảm từ 95,7% xuống còn 82,7%. Trong khi đó, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La đề ra là đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế phải đạt 96,2%.

Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La cho biết, ngành bảo hiểm xã hội đã phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách về bảo hiểm y tế để tuyên truyền, vận động người dân tham gia loại hình này. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La giao chỉ tiêu đến tổ bản, tiểu khu để gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; củng cố lại hệ thống đại lý thu, để mỗi tổ bản đều có nhân viên đại lý thu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện tham mưu, phối hợp liên ngành tham mưu với UBND tỉnh, HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế bền vững.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm