Vun đắp tình yêu văn hóa và chữ viết dân tộc cho học sinh Khmer tỉnh Vĩnh Long

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 26.000 người Khmer sinh sống, chiếm gần 2,1% dân số. Thời gian qua, công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer luôn được địa phương quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 5 trường tiểu học và 3 trường trung học cơ sở vùng đồng bào dân tộc tổ chức dạy tiếng Khmer cho học sinh. Ngoài học ở trường, dịp hè, học sinh Khmer còn đến sinh hoạt, học tập ở các chùa nhằm tăng cường hiểu biết và vun đắp tình yêu đối với văn hóa, chữ viết của dân tộc mình. Những lớp học ngày hè trở thành sân chơi bổ ích, tạo động lực và nền tảng kiến thức cho các em trong năm học mới.

Dịp hè vừa qua, nhiều chùa ở vùng đồng bào Khmer trong tỉnh Vĩnh Long đã mở lớp học chữ viết và văn hóa để học sinh Khmer học tập, sinh hoạt. Tại chùa Mới (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn), hè năm nay, chùa mở 3 lớp dạy tiếng Khmer với khoảng 150 em theo học chữ Khmer ở 3 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 3.

vna_potal_vinh_long_to_chuc_cac_lop_hoc_he_cho_hoc_sinh_vung_dong_bao_dan_toc_khmer_7561783.jpg
Lớp học cho học sinh đồng bào dân tộc Khmer trong dịp hè tại Chùa Mới, xã Trà Côn (Trà Ôn, Vĩnh Long). Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Em Thạch Thị Hoàng Gấm Rèng Sây (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) vui vẻ cùng các bạn tiếp thu thêm nhiều kiến thức về ngôn ngữ của dân tộc mình. Em Rèng Sây chia sẻ: “Con học lớp này đến nay là được 4 mùa hè. Con thấy lớp học rất vui và bổ ích. Hằng ngày, ở nhà con vẫn nói chuyện bằng tiếng Khmer, nhưng về cách viết chữ thì con chưa giỏi. Mỗi năm đến lớp học, các thầy cô ôn tập thêm nhiều kiến thức để con học giỏi hơn. Con sẽ cố gắng học thật tốt vì con muốn biết nhiều hơn về chữ Khmer để gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình”.

Với mong muốn truyền đạt kiến thức giúp các em nhỏ vùng đồng bào dân tộc Khmer hiểu biết, yêu mến và giữ gìn ngôn ngữ dân tộc, cứ dịp hè, em Thạch Thị Hoa Tân (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) lại đến chùa hỗ trợ dạy học. Đã từng được học tập chữ viết, tiếng nói Khmer ở chùa gần 8 năm, Hoa Tân hiểu ý nghĩa và lợi ích của những lớp học này. Hoa Tân chia sẻ: “Hè nào em cũng dành ra 2 tháng để đến đây dạy mấy em nhỏ. Năm nay, lớp học của em có 85 học sinh. Các em nhiều độ tuổi nên việc dạy cũng có nhiều khó khăn. Em phải quan sát, hỗ trợ những em nhỏ, chưa chú ý. Đối với các em lớn, việc dạy học dễ dàng nhưng cũng phải tận tâm để các em hiểu và nắm vững kiến thức. Em mong muốn dùng kiến thức của mình để hỗ trợ các em tập đọc, tập viết tốt hơn ngôn ngữ của dân tộc Khmer, động viên các em cố gắng trong học tập, vừa học tốt tiếng Việt, vừa không quên bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer”.

Bên cạnh học chữ viết, các lớp, câu lạc bộ về văn hóa của đồng bào Khmer cũng hoạt động sôi nổi dịp hè này. Tại chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành), hằng tuần, đều duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Văn hóa - Nghệ thuật quần chúng huyện Vũng Liêm. Thành viên câu lạc bộ là các thanh niên, học sinh Khmer. Các bạn cùng nhau sinh hoạt, hỗ trợ học tập bài hát, điệu múa dân tộc, góp phần truyền cảm hứng, gìn giữ và lan tỏa nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Em Trần Ngọc Phúc Hân (khóm 2, thị trấn Vũng Liêm) cho biết, trong gia đình của em chỉ có ít người biết đọc, biết viết tiếng Khmer, nên em muốn học thêm chữ viết, tiếng nói và điệu múa của dân tộc mình để có thể hiểu, giới thiệu nhiều hơn đến mọi người. Dịp hè này, em dành buổi sáng đến chùa học tiếng Khmer, buổi tối em tham gia câu lạc bộ học múa. Tham gia lớp giúp em có thêm bạn bè, niềm vui và yêu hơn những bài ca, điệu múa của dân tộc.

vna_potal_vinh_long_to_chuc_cac_lop_hoc_he_cho_hoc_sinh_vung_dong_bao_dan_toc_khmer_7561781.jpg
Hướng dẫn học sinh viết chữ Khmer tại lớp học ở Chùa Mới, xã Trà Côn (Trà Ôn, Vĩnh Long). Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Em Sơn Ngọc Hiển (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) tham gia câu lạc bộ khoảng một năm nay. Nhờ tham gia câu lạc bộ em đã biết được các điệu múa của đồng bào dân tộc Khmer, học một số động tác cơ bản để múa các điệu múa này. Em muốn học để hiểu rõ và tự tin giao lưu, giới thiệu nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đến mọi người, Hiển chia sẻ.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào Khmer, trong đó, có nội dung giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 8 điểm trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức dạy học sinh tiếng Khmer. Bên cạnh đó, dịp nghỉ hè, các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức giảng dạy tiếng Khmer cho học sinh. Những lớp học không chỉ tạo môi trường cho các em sinh hoạt trong dịp hè mà còn góp phần thiết thực trong giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết, điệu múa, lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục duy trì các hoạt động, phát triển phong trào học tập, giữ gìn và phát huy chữ viết, văn hóa của đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai tốt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cùng đồng hành trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm