Trứng cút thành phẩm của Tổ hợp tác Nguyễn Hồ ở ấp Long Bình (xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)đóng thành từng vỉ, thuận tiện cho việc vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Nhớ lại thời điểm năm 1998, ông Trần Nguyễn Hồ tâm sự: “Gia đình tôi bắt đầu với 2.000 con giống chim cút, vì vốn ít, lại chưa có điều kiện học hỏi kĩ thuật nuôi, chăm sóc sao cho chim cút đẻ nhiều trứng, thêm vào đó, số lượng chim cút cũng hao hụt do chưa biết cách nuôi dưỡng, nên mỗi tháng, gia đình chỉ thu lợi được trên dưới 1 triệu đồng.” Nhận thấy đây là mặt hàng tiềm năng, đầu ra sẵn có, 3 năm sau, tổng đàn chim cút của ông Hồ đã nhân lên tới 20.000 con, chi phí đầu tư trên 500 triệu đồng bao gồm cả con giống, chuồng trại và thức ăn. Chuỗi thu hoạch trứng kéo dài từ 8 đến 9 tháng mới phải thay đàn mới, khi ấy, mỗi tháng chim cút đem lại cho ông hằng trăm triệu đồng. “Cứ nghĩ thuận buồm xuôi gió, ai ngờ năm 2002 - 2003, dịch cúm gia cầm tấn công đến Việt Nam, đàn chim cút bị tiêu hủy toàn bộ, bao nhiêu tâm huyết, công sức, tiền bạc bỗng chốc tan thành mây khói, khi ấy tôi sốc lắm”, ông Hồ tâm sự. Nhưng không nản chí, đầu năm 2004, ông huy động hết gia sản và vay thêm ngân hàng để làm lại từ đầu. Xây chuồng trại, mua con giống tổ chức lại sản xuất, cải tiến triệt để hệ thống chăn nuôi, quy trình chăm sóc theo hướng chăn nuôi mới, cũng như phòng dịch bệnh ngay từ khâu con giống, nguồn thức ăn. Cũng trong giai đoạn này, ông Hồ đã mày mò nghiên cứu và sáng chế ra kiểu chuồng mới bằng kim loại, thay thế chuồng bằng gỗ trước đây. Theo ông Hồ, kiểu chuồng này rất tiện ích, thông thoáng, gọn nhẹ, chiếm ít diện tích, các ngăn được thiết kế theo hình kim tự tháp, mặt chuồng cách xa mặt đất để tiện việc vệ sinh chuồng trại, giảm công chăm sóc bằng 1/10 so với chuồng cũ bằng gỗ. Bên cạnh đó, hệ thống máng ăn được cải tiến tránh tình trạng rơi vãi lãng phí, hệ thống uống nước tự động và đặc biệt đáy chuồng luôn được vệ sinh để tránh ảnh hướng tới môi trường xung quanh. Và với sáng kiến mô hình chuồng nuôi chim cút này, năm 2012 ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, bảo hộ và cấp giấy chứng nhận. Hiện nay, nhu cầu thị trường tăng cao do trứng chim cút không những chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn hợp khẩu vị nhiều người, nên vấn đề “cung” không đáp ứng được “cầu”, chẳng giữ bí quyết cho riêng mình, ông Hồ còn sẵn sàng chia sẻ cho mọi người. Ông Hồ cung cấp gần như 100% vốn, từ con giống, hướng dẫn kĩ thuật nuôi, chuồng trại, thức ăn cho tới khi bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ nông dân, cho tới nay đã có trên 30 hộ trong và ngoài tỉnh trở thành “vệ tinh” của ông. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, ông Hồ luôn ấp ủ để đưa sản phẩm của mình tới thị trường nước ngoài. Từ cuối năm 2013 đến nay, mỗi tháng trang trại của ông hợp tác với Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang thị trường Nhật Bản hơn 2 triệu quả trứng chim cút, đem lại lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Trang trại nuôi chim cút thương phẩm gia đình ông Trần Nguyễn Hồ mỗi ngày cung cấp sang thị trường Nhật Bản hơn 100.000 trứng thương phẩm . Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Theo ông Hồ, Nhật Bản là thị trường rất khó tính, cho nên quy chuẩn sản xuất của ông phải đạt yêu cầu chất lượng, nếu không sẽ không có “cửa bước chân vào”. Trăn trở với suy nghĩ ấy, ông đã áp dụng quy trình chăn nuôi hạn chế và không kháng sinh, đây cũng chính là điểm mấu chốt để tạo ra sản phẩm trứng không có tàn dư kháng sinh. Với quy trình này, đã đáp ứng được điều kiện khắt khe của nước bạn và ông tin rằng, với tiêu chuẩn đó, không chỉ Nhật Bản mà sau này có thể sản phẩm của ông sẽ tiến tới được những thị trường tiềm năng khác. Ngoài việc thu lợi nhuận cho bản thân, ông cũng tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm. Hiện tại, trang trại của ông có trên 30 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ trang trại sản xuất hiệu quả, mỗi năm ông Trần Nguyễn Hồ có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đóng góp và hỗ trợ xây nhà tình thương, làm đường nông thôn, khen thưởng học sinh giỏi, trẻ em nghèo... Sau gần 20 năm lăn lộn với nghề nuôi chim cút lấy trứng, trải qua bao phong ba của thị trường, nhưng với lòng quyết tâm, sáng tạo và nghị lực vươn lên, cho tới nay ông Trần Nguyễn Hồ đã trở thành một tấm gương sáng về làm kinh tế giỏi không chỉ đối với người dân Tiền Giang mà còn nức tiếng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Những thành quả ông đạt được không chỉ thể hiện bằng kinh tế vật chất, mà còn được thể hiện bởi những tấm bằng khen của Trung ương, và địa phương như Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Sao thần nông – Cho mùa bội thu và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang.
Nam Thái