Vụ hè thu ở Ninh Thuận thiếu nước tưới trầm trọng

Vụ hè thu ở Ninh Thuận thiếu nước tưới trầm trọng
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, ngoại trừ hai hồ chứa là hồ Tà Ranh ở huyện Ninh Phước và hồ Ông Kinh ở huyện Ninh Hải sớm trơ đáy từ đầu năm, 10 trong số 20 hồ chứa nước lớn nhỏ còn lại trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu dấu hiệu phơi nắng. 
 
Nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận đã trơ cạn đáy.
 Nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận đã trơ cạn đáy.


Tổng lượng nước có được ở 10 hồ chứa hiện chỉ vẻn vẹn 3,05 triệu m3 so với 14,69 triệu m3 dung tích thiết kế, chiếm khoảng 20,7% dung tích thiết kế. Các hồ chứa lớn như hồ Sông Trâu, hồ Sông Biêu, hồ Tân Giang hay hồ Lanh Ra, mực nước trong hồ hiện thấp hơn cả chục lần so với dung tích thiết kế. Chỉ riêng hồ Sông Sắt mực nước tạm ổn, hiện còn 13,6 triệu m3 trên tổng số 69,33 triệu m3 dung tích thiết kế. 

Dù chưa bước vào sản xuất vụ hè thu, thế nhưng với lượng nước cạn kiệt như hiện nay và hạn hán được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9, thì đây quả thật là vấn đề đáng lo ngại đối với tỉnh nặng về nông nghiệp như Ninh Thuận. 

Hồ Tân Giang (huyện Thuận Nam) được đóng kín để phục vụ cho sinh hoạt và nước uống gia súc.
 Hồ Tân Giang (huyện Thuận Nam) được đóng kín để phục vụ cho sinh hoạt và nước uống gia súc.

Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Nam cho rằng, do hạn hán kéo dài, tổng lượng nước tại 5 hồ chứa trên địa bàn huyện chỉ còn 4,62 triệu trên tổng số 41,3 triệu m3 dung tích thiết kế. Với lượng nước như vậy sản xuất gặp rất nhiều khó khăn và vụ hè thu này huyện Thuận Nam hầu như không thể gieo cấy được. Nguồn nước còn tồn trong hồ chủ yếu là hồ Tân Giang với lưu lượng 2,61 triệu m3 trên tổng số 13,39 triệu m3 dung tích thiết kế chỉ để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân ở xã Phước Hà và nước uống cho gia súc. 

Người dân huyện Thuận Bắc chủ động bơm nước vào ruộng cày ải.
Người dân huyện Thuận Bắc chủ động bơm nước vào ruộng cày ải.

Ông Lê Phạm Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình (Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận) cho biết, vụ đông xuân vừa rồi Ninh Thuận chỉ dựa vào nguồn nước xả từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) qua hệ thống nhà máy thủy điện Đa Nhim. Nay lượng nước hồ Đơn Dương đã xuống thấp hơn phân nửa, chỉ còn 73,47 triệu m3 trên tổng số 165 triệu m3 dung tích thiết kế. 

Trước tình hình khan hiếm nguồn nước, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận dự kiến giảm diện tích gieo trồng vụ Hè Thu xuống còn 16.598 ha (lúa 10.399 ha, cây màu 6.199 ha). Trong đó diện tích sản xuất từ nguồn nước các hồ chứa trong tỉnh là 2.285ha, nguồn nước từ đập dâng (hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm, Sông Pha) là 14.202 ha và từ các trạm bơm 111 ha. 
 
Nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận sắp cạn kiệt.
 Nhiều hồ chứa ở Ninh Thuận sắp cạn kiệt. 

Để đảm bảo nước tưới cho sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến cáo các địa phương phải tổ chức gieo trồng đồng loạt, đúng lịch thời vụ. Đặc biệt là phải xây dựng kế hoạch điều tiết nước cụ thể, hợp lý đến từng xứ đồng, khu vực đảm bảo tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn, nhân rộng các mô hình sản xuất ứng phó với hạn hán hiệu quả, để tránh thiệt hại tối thiểu do hạn hán gây ra./. 

TTXVN

Có thể bạn quan tâm