Vốn rẻ tiếp sức nông nghiệp, nông thôn

Vốn rẻ tiếp sức nông nghiệp, nông thôn

Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều chính sách quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ban hành thời gian qua, đặc biệt là chính sách về tín dụng. Nhờ đó, dòng vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn được khơi thông, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, cải thiện đời sống người dân, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn mới…

Vốn rẻ tiếp sức nông nghiệp, nông thôn ảnh 1Từ nguồn vốn vay nông nghiệp nông thôn, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn. Ảnh: baophutho.vn

Đồng hành vượt khó

Rảo bước đưa phóng viên đi tham quan khu chăn nuôi rộng hơn 6ha tại Khu 14, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, ông Bùi Quang Hiệu, Chủ trang trại khẳng định chắc nịch: "Nếu không có sự đồng hành của ngân hàng thì những hộ chăn nuôi như chúng tôi sẽ gặp vô vàn khó khăn, không thể có được cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay".

Nhớ lại hồi năm 2012 khi dịch lợn tai xanh hoành hành, chỉ trong vòng 1 tháng, cả đàn lợn gồm 80 lợn nái và gần 700 lợn thịt các loại của gia đình ông Hiệu với tổng trọng lượng khoảng 15 tấn thịt đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Sau cú sốc này, ông Hiệu không nản mà trở lại vực dậy trang trại từ nguồn tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn của Nhà nước, vài trăm triệu tích góp sau nhiều năm làm ăn cùng với vốn vay tín chấp từ ngân hàng.

Những tưởng biến cố đã qua nhưng sang tới năm 2017-2018, một lần nữa gia đình ông Hiệu lại gần như "trắng tay" khi thua lỗ tới 14 tỷ đồng. Thời điểm đó, giá lợn tụt dốc không phanh do Trung Quốc đóng cửa biên giới, hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ các nước. Gần đây nhất, sự bùng phát và diễn biến nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của trang trại.

"Sau thời gian giá lợn tụt sâu năm 2017-2018, đầu lợn của trại cũng sụt giảm mạnh. Rất may lúc đó tiếp cận được vốn ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), tôi được cho vay 7 tỷ đồng với lãi suất 5% để khôi phục lại đàn nái và mua thức ăn chăn nuôi. Đến năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trang trại cũng nhận được hỗ trợ lãi suất tới 2,5%/năm cho các khoản vay từ ngân hàng", ông Hiệu chia sẻ.

Được tiếp sức kịp thời, hiện trang trại chăn nuôi của ông Bùi Quang Hiệu đã tạm thời ổn định sản xuất với quy mô 300 lợn nái, 3.000 thịt và 2 vạn gà. Ông Hiệu còn phát triển thêm một công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi riêng để đảm bảo nguồn đầu vào cho trang trại và ký hợp đồng đầu ra với các công ty giết mổ tại Hà Nội. Doanh thu hàng năm của trang trại đạt khoảng 25-30 tỷ đồng, lợi nhuận trên dưới 2-3 tỷ đồng/năm.

Cũng trải qua không ít thăng trầm, ông Đào Xuân Hải - Chủ trang trại chăn nuôi giống gia cầm Hải Thêu tại xã Hướng Đạo, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc nhớ lại hơn 2 năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Đã có lúc cao điểm dịch bệnh, 17 vạn gà đến lứa không bán được. Tổng giá trị đàn gà gần 40 tỷ đồng nhưng chỉ được giá bằng 1/3-1/4 bình thường, thiệt hại nặng nề.

"Lúc đó cả gia đình tôi đứng ngồi không yên, vốn lưu động để mua cám nuôi gà và trả lương công nhân là áp lực không nhỏ. Nhưng quyết tâm dù giá nào cũng phải giữ lại đàn gà, tôi đến gặp cán bộ ngân hàng Agribank. Chia sẻ về quyết tâm này, gia đình được tư vấn và tạo điều kiện kịp thời cho vay 3 tỷ đồng để mua cám, trả lương cho công nhân, vượt qua thời khắc sóng gió", ông Hải kể lại.

Đây không phải lần đầu ông Hải nhận được nguồn vốn mồi như vậy. Ngay từ năm 1998, chàng trai vừa tròn 30 tuổi chân ướt chân ráo từ Bình Định ra Vĩnh Phúc lập nghiệp với số vốn ít ỏi đã tìm đến ngân hàng để được tiếp sức, mở rộng chăn nuôi.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hải cho biết: "Vừa khởi nghiệp, không họ hàng, người quen ở đất Vĩnh Phúc này, lúc đó chúng tôi muốn mở rộng quy mô trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà mà không vay được ai. Bấy giờ may mắn có 50 triệu đồng từ Agribank làm vốn mồi. Sau đó, gia đình vừa làm vừa tích lũy cùng các khoản cho vay thêm sau này của ngân hàng nên giờ chúng tôi mới có cơ ngơi này".

"Chăn nuôi, trồng trọt không thể tránh được những gian truân, khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ rời bỏ "mặt trận" này, nhất là khi luôn có nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng sát cánh", ông chủ trang trại Hải Thêu nhấn mạnh.

Đến nay, quy mô trại gà Hải Thêu có tới hơn 200.000 con đem lại doanh thu 5-6 tỷ đồng/tháng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, lãi 500 – 700 triệu/tháng. Đến thời điểm này dư nợ của ông Hải tại Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Xác định cho vay phát triển kinh tế, nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ chính trị gắn liền với sứ mệnh của ngân hàng, ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Agribank - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định Agribank luôn coi đây là thị trường trọng điểm, cốt lõi để đầu tư nhiều nguồn lực gìn giữ và phát triển.

Tính đến hết ngày 31/7/2022, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc chiếm 70%/tổng dư nợ chi nhánh, đạt mức 9.200 tỷ đồng tập trung vào các mô hình như nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế tuần hoàn...

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp nông thôn không chỉ tạo tiền đề cho người dân mở rộng kinh doanh, sản xuất, tăng thu nhập mà còn góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê.

Ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Xã miền núi Ngọc Mỹ về đích nông thôn mới vào năm 2018 có đóng góp không nhỏ của dòng vốn tín dụng từ Agribank. Tận dụng hiệu quả các gói vay ưu đãi, bà con đầu tư chăn nuôi bài bản hơn, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đã đạt mức 40 triệu đồng và phấn đấu lên 50 triệu đồng vào năm 2025".

Không khó để nhận thấy các điểm nhà đa năng, sân bóng... tại xã Ngọc Mỹ đã được cải tạo khang trang hơn. Đường xá giao thông cũng được nắn thẳng, đổ bê tông trải dài, giúp phương tiện và hàng hóa lưu thông dễ dàng.

Theo ông Tuấn, đến nay xã Ngọc Mỹ có tổng dư nợ 111 tỷ đồng, tương ứng trên 500 hộ dân và trong quá trình sử dụng vốn không xảy ra việc trả chậm nợ quá hạn.

Tương tự như tại Ngọc Mỹ, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cũng đã có nhiều đổi thay nhờ dòng vốn ngân hàng. Không chỉ giúp cải thiện đời sống nhân dân, nguồn vốn Agribank còn giúp giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động... đóng góp lớn vào mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tứ Xã cho biết hàng năm kinh tế địa phương tăng trưởng 9-10%. Về cơ cấu kinh tế của đại phương, cơ cấu dịch vụ thương mại hiện chiếm khoảng 40%, công nghiệp xây dựng 30%, còn lại tỷ trọng nông nghiệp 24-25%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm xuống còn 1,6%.

Cho vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất ưu đãi nhưng ngân hàng hiện cũng gặp khó trong huy động vốn tại địa phương. Theo ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, 84% tổng dư nợ tại chi nhánh là cho vay nông nghiệp nông thôn nhưng nguồn vốn huy động tại địa phương này lại rất khó khăn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay của khách hàng.

Tương tự tại Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc 2, ông Đỗ Văn Bộ, Phó Giám đốc chi nhánh cho hay hiện chưa có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước về nguồn vỗn lãi suất thấp để bù đắp chênh lệch đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong khi đó, nguồn vốn huy động đầu vào của Agribank cao hơn lãi suất cho vay theo chính sách.

Vì vậy, ông Bộ kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, bộ ban ngành quan tâm có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất rẻ hơn để tạo điều kiện ngân hàng cho vay nhiều người dân hơn nữa phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Lê Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm