Đến nay, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có 7/7 xã đạt nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Vĩnh Thuận đang đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm tra và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Xuất phát điểm thấp
Huyện Vĩnh Thuận diện tích tự nhiên gần 395 km2, có 8 xã và thị trấn, khoảng 22.790 hộ dân, với hơn 82.620 người, gồm 3 dân tộc chung sống là Kinh, Hoa, Khmer. Vĩnh Thuận là huyện vùng xa của tỉnh Kiên Giang, giáp với hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Xuất phát điểm đi lên xây dựng nông thôn mới của Vĩnh Thuận khá thấp, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn hạn chế, yếu kém, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Thoàn cho biết: “Hơn 10 năm trước, huyện Vĩnh Thuận bắt tay xây dựng nông thôn mới, với bình quân số tiêu chí cấp xã chỉ đạt trung bình 7,1/19 tiêu chí, thu nhập của người dân năm 2010 bình quân 21,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn 14,95%. Cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Một số xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm gần như “con số 0”, thiếu vốn đầu tư phát triển, trình độ, năng lực cán bộ hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ, một bộ phận người dân, chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng nông thôn mới.”
Thực tế bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, thủy lợi phục vụ sản xuất… trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận yếu kém, cần nguồn lực đầu tư lớn. Những năm đầu, hạ tầng kỹ thuật xã hội trong huyện tuy được đầu tư nhưng thiếu vốn, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương hỗ trợ cho huyện có hạn. Vốn các chương trình, dự án khác đầu tư cho huyện chưa nhiều, ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới của huyện…
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Tấn Phi chia sẻ: chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, trong khi kinh nghiệm, mô hình điểm để các địa phương học tập chưa nhiều, nên huyện vừa làm vừa rút kinh nghiệm là chính. Vĩnh Thuận đã đạt nhiều thành tựu hết sức quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Thuận là tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này. Huyện phát động phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng đem lại nhiều kết quả đáng kể. Huyện chọn hộ dân làm gốc và mỗi việc đều được hộ dân tích cực thực hiện, nhất là 15 phần việc hộ gia đình xây dựng nông thôn mới.
Bà Võ Thị Diền ở ấp Hiệp Hoà, Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây tích cực thực hiện 15 phần việc trong xây dựng nông thôn mới như: Đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, chỉnh trang lại nhà cửa, hàng rào, sân vườn, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần làm đổi mới diện mạo xóm, ấp nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống…”
Bắt tay vào cuộc
Đến nay cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu vầu phát triển sản xuất và đời sống dân sinh. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện nâng lên.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Tấn Phi phấn khởi cho biết, đường giao thông từ trung tâm các xã đến trục đường huyện nhựa hóa, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường trục ấp, liên ấp cứng hóa, bê tông hóa hơn 320 km, đạt tỷ lệ trên 86% kế hoạch và hầu hết đường thôn quê, ngõ xóm trên địa bàn không còn lầy lội vào mùa mưa, đi lại thuận tiện, dễ dàng.
Huyện đầu tư xây dựng hơn 23 km hệ thống đê bao sông Cái Lớn, Cái Chanh, nạo vét hàng trăm kênh thủy lợi, xây dựng hàng chục công trình cống thủy lợi và trạm bơm vừa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động cho 30.678 ha đất sản xuất, đạt trên 93% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện và tỉnh, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hiệu quả với hai thế mạnh chủ lực là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Vĩnh thuận đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, với tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn chiếm tỷ lệ hơn 98%.”
Nông dân Danh Hồng Dân ở ấp Cái Nhum, xã Phong Đông huyện Vĩnh Thuận vui vẻ bày tỏ: “So với hơn 10 năm trước, nông thôn xã Phong Đông bây giờ thay đổi khác xưa. Giao thông thuận lợi, hầu như nhà nào cũng có xe máy làm phương tiện đi lại nhanh chóng, dễ dàng thay cho xuồng ghe trước đây. Ban đêm đèn điện sáng khắp xóm và hầu như nhà nào cũng sắm ti vi để giải trí. Con em trong xóm làng được học tập trong những ngôi trường xây dựng kiên cố khang trang, sạch đẹp…”
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đến nay toàn huyện Vĩnh Thuận có 20/28 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học. Trung tâm y tế huyện quy mô 300 giường, 7/7 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và xã cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động phong trào ở cơ sở...
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế huyện Vĩnh Thuận tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu bình quân hàng năm tăng 10,3%. Đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người hơn 57,6 triệu đồng. Trên địa bàn 7 xã của huyện có hơn 16.250 hộ có nhà đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ hơn 84 % tổng số nhà ở của hộ dân.
Huyện hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực như: Diện tích sản xuất lúa 2 vụ/năm hơn 3.700 ha, lúa nền đất nuôi tôm trên 10.000 ha kết hợp với quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, sản lượng lúa thu hoạch trên 100.000 tấn/năm.
Huyện phát triển cây rau màu với mô hình 2 lúa - 1 màu, chuyên màu, kết hợp sinh thái vườn, trồng cây ăn trái và đẩy mạnh chăn nuôi, nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt. Tổng diện tích nuôi tôm hơn 28.550 ha, sản lượng trên 15.500 tấn/năm. Ngoài ra, nhân dân thực hiện các mô hình như: nuôi cua thương phẩm, nuôi rắn, càng đước, cá các loại… sản lượng hàng năm trên 13.500 tấn các loại… Cùng với đó, huyện duy trì phát triển nhiều làng nghề, nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Tấn Phi cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, huyện Vĩnh Thuận đã vận dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, lồng ghép với nguồn vốn các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn huy động nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí đã thực hiện hơn 3.325 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 3,56%, tỉnh 21,5% và ngân sách huyện gần 10%, số còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, tín dụng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, vốn huy động khác. Huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, các công trình, dự án triển khai đều có kế hoạch bố trí, phân bổ vốn đảm bảo theo quy định.
Huyện Vĩnh Thuận phấn đấu đến năm 2025 có 7/7 xã đạt chuẩn nâng cao và có ít nhất 1 xã trở lên đạt chuẩn kiểu mẫu theo quy định hiện hành.
Lê Huy Hải