Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới

Một góc thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Ảnh An Hiếu
Một góc thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Ảnh An Hiếu

Là huyện vùng xa, xuất phát xây dựng nông thôn mới thấp, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã về đích xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 7/7 xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Vĩnh Thuận cũng đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới và đang đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

Từ xuất phát điểm thấp...

Theo ông Lê Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, huyện nằm vùng xa, xuất phát điểm đi lên xây dựng nông thôn mới thấp; kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu sự đồng đều giữa các địa phương.

Trước khi triển khai chương trình nông thôn mới vào năm 2010, số tiêu chí đạt bình quân của xã còn thấp, chỉ đạt trung bình 7/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người gần 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn gần 15%; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trình độ, năng lực cán bộ làm hội cơ sở có mặt còn hạn chế so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai trên phạm vi rộng, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng… trong khi kinh nghiệm, mô hình điểm để các địa phương học tập chưa nhiều, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm là chính.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Lê Văn Đủ cho biết, qua thời gian triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 đã tạo được sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng hiệu quả hoạt động được nâng lên; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt vai trò tại địa phương.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư đã phát huy hiệu quả, ngày càng có nhiều hộ dân tận dụng hết tiềm năng lợi thế đất đai, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Bộ mặt nông thôn đã có bước thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng lên.

Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới ảnh 1Một góc thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Ảnh An Hiếu

Đến sự chung sức, đồng lòng.

Nhằm mục đích hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Thuận đã vận dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, lồng ghép với nguồn vốn chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp để bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm của địa phương.

Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới ảnh 2Cánh đồng dưa lê của bà con nông dân Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Lê Sen

Ông Lê Hoàng Dũng, ngụ ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết, trước đây, vùng này gặp nhiều khó khăn trong đi lại và sản xuất. Thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư thủy lợi, giúp người dân chuyển sang nuôi tôm, cua, kết hợp trồng lúa 1 vụ, nhờ đó thu nhập tăng lên rõ rệt.

Chỉ tính riêng tổ 5 khoảng 60 hộ, số hộ giàu đã tăng lên 50%, hàng năm có nguồn thu 300 - 500 triệu đồng/hộ, có hộ hơn 1 tỷ đồng/năm do con tôm mang lại. Đời sống bà con không ngừng cải thiện nên khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhà nào cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Là người có uy tín trong đồng bào Khmer ở địa phương, ông Lê Minh Chiến, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận tình nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, đảm bảo cho xe 4 ô tô lưu thông dễ dàng. Ông còn hỗ trợ kinh phí làm đường và tích cực vận động mọi người đóng góp đất đai, tài sản, ngày công lao động… cùng chính quyền đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng ủng hộ chủ trương trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Phong Đông chia sẻ, địa phương thuộc vùng sâu và là nơi giáp ranh giữa hai huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và Hồng Dân (Bạc Liêu), thiếu trường mẫu giáo, các em nhỏ đi học rất xa và nhiều gia đình không có điều kiện cho con đến trường.

Vì thế, bà tình nguyện hiến 3.000m2 đất mặt tiền, trị giá gần 2 tỷ đồng để xây trường mẫu giáo. Năm 2019, Trường mẫu giáo Phong Đông (điểm Chợ Vàm) hoàn thành, đưa vào hoạt động trước sự vui mừng khôn tả của người dân huyện Vĩnh Thuận và huyện Hồng Dân. 

Theo ông Võ Thanh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thuận, tấm gương hiến đất xây trường mẫu giáo và sau đó xây thêm căn nhà giúp phụ huynh ở xa có nơi ở trong thời gian chờ đón con của bà Nguyễn Thị Kim Phụng thật đáng quý.

Không chỉ ở Phong Đông, Vĩnh Thuận, nhiều địa phương trong huyện cũng phát huy hiệu quả sự đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Thoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận nhìn nhận, Chương trình nông thôn mới là tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Song, vấn đề đặt ra là cần xác định rõ chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Thực tế đã chứng minh, người dân mới thực sự là chủ thể xây dựng nông thôn mới. Sự tham gia của người dân vào xây dựng nông thôn mới được coi như nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại.

Do đó, trong quá trình thực hiện nông thôn mới, ngành chức năng huyện Vĩnh Thuận luôn quan tâm và tạo thuận lợi để người dân tích cực tham gia, thực hiện tốt 15 phần việc của hộ gia đình.

Vai trò của người dân được thể hiện qua dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi. Nhờ phát huy tốt vai trò của người dân, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Thống kê cho thấy, những năm qua, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới hơn 3.300 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 56 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Vĩnh Thuận cũng đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới và đang đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Đây là kết quả ấn tượng đối với vùng quê Vĩnh Thuận.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới, huyện cũng xây dựng 17 hợp tác xã và 90 tổ hợp tác nông nghiệp, liên kết được chuỗi giá trị với các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình có hiệu quả như "5 không 3 sạch", tổ nhân dân tự quản không có tệ nạn xã hội, mô hình thắp sáng đường quê, xây dựng tuyến đường hoa, mô hình sản xuất "1 phải 5 giảm", mô hình 3 giảm 3 tăng…

Huyện vùng sâu Vĩnh Thuận về đích nông thôn mới ảnh 3Nghề đan giỏ lục bình đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho lao động Khmer ở xã Phong Đông (Vĩnh Thuận, Kiên Giang). Ảnh: An Hiếu

Cùng với phát triển sản xuất, huyện Vĩnh Thuận còn tập trung làm tốt dạy nghề, tạo việc làm, phát triển các hình thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động. Nếu như cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên 41 triệu đồng/người/năm, thì đến cuối năm 2020 nâng lên hơn 57,6 triệu đồng/người/năm.

Việc giảm nghèo cũng luôn được huyện vùng sâu này quan tâm thực hiện, thông qua các chương trình, dự án, như hỗ trợ bảo hiểm y tế, vay vốn sản xuất, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà đại đoàn kết; vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững… Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện giảm xuống còn 2,53%, giảm 7,77% so với năm 2015.

Vĩnh Thuận còn tập trung thực hiện nhựa hóa gần 50km đường từ trung tâm huyện đến các xã; 92 tuyến đường có chiều dài hơn 476km nhựa hóa, bê tông hóa đường liên xã, liên ấp; 28 tuyến đường với chiều dài trên 54km đường trục ấp, liên ấp.

Huyện Vĩnh Thuận nằm trong vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, có diện tích tự nhiện trên 394 km2, chia thành 8 đơn vị hành chính; có 22.547 hộ, với gần 82.000 khẩu.

Trên đường bộ có tuyến Quốc lộ 63 đi qua nối thành phố Rạch Giá về Cà Mau; đường thủy có sông Cái Lớn và tuyến sông xáng Chắc Băng thuộc hệ thống đường thủy phía Nam từ thành phố Hồ Chí Minh về Cà Mau đi ngang qua trung tâm huyện góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo ra sự thông thương, vận chuyển hàng hóa từ huyện sang địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm