Vĩnh Phúc phát triển sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng

Vĩnh Phúc phát triển sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng
Thiếu sản phẩm đặc trưng

Vĩnh Phúc đã và đang được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến với những thắng cảnh đẹp, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng như khu du lịch Tam Đảo, khu du lịch Đại Lải, khu danh thắng Tây Thiên, vườn Quốc gia Tam Đảo… Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn có trên 1.300 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 472 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng. Đây là lợi thế để Vĩnh Phúc phát triển một ngành du lịch đa dạng, phong phú các loại hình.
 
Dạo qua một loạt các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, có thể dễ dàng nhận thấy sự đơn điệu, thiếu vắng các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng miền nói riêng và của Vĩnh Phúc nói chung. Trong đó chủ yếu là các nhóm sản phẩm đồ uống, thảo dược, bánh kẹo và nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính chất lưu niệm chưa nhiều hoặc thiếu vắng.

Ghi nhận tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, lượng khách tăng mạnh qua các năm, nhất là dịp lễ hội đầu xuân nhưng sản phẩm lưu niệm hầu như không có, chỉ có số ít quà tặng là nông sản địa phương như măng, rau su su, mật ong, chuối, còn lại chủ yếu là các mặt hàng đơn điệu như khăn, quần áo từ thổ cẩm, móc chìa khóa, vòng tay, đồ chơi… do tiểu thương mang từ nơi khác đến bán.

Tương tự, tại Khu du lịch Tam Đảo, sản phẩm lưu niệm, quà tặng vẫn chủ yếu là nông sản theo mùa như su su, chuối  được người dân sản xuất tại chỗ hoặc thu gom các nơi lân cận về tiêu thụ, một số khác là các mặt hàng đồ chơi, vòng tay, móc chìa khóa, đồ chơi … mà có thể gặp ở bất cứ địa điểm du lịch nào trên cả nước nên thiếu tính đặc trưng.

Thực tế, sức hút từ các sản phẩm lưu niệm với du khách rất lớn. Nhưng thị trường sản phẩm lưu niệm của Vĩnh Phúc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có. Để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng, có thương hiệu riêng không chỉ kích thích tiêu dùng, tăng trưởng thương mại, mà còn quảng bá và khắc sâu hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc trong lòng du khách, đang là bài toán khó.

Chờ một hướng đi mới

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về lượng thu hút khách du lịch nhưng doanh thu từ hoạt động này chỉ đạt 8% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Việc không có sản phẩm du lịch, quà lưu niệm đặc trưng, không chỉ làm cho địa phương mất đi nguồn thu không nhỏ mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh Vĩnh Phúc thông qua chính đồ lưu niệm. Hiện khách du lịch đến tỉnh có mức chi dùng rất thấp, các sản phẩm lưu niệm chỉ đáp ứng được 5 đến 10% sức mua của khách du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống được công nhận với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc…, một số làng nghề nổi tiếng, sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (thị trấn Bình Xuyên), mật ong Tam Đảo, rắn Vĩnh Sơn, cá thính Lập Thạch … Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn không có chỗ đứng tại các điểm du lịch. Mặt khác, các nghệ nhân làng nghề chưa nghiên cứu, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.

Thời gian gần đây, Vĩnh Phúc có một số sản phẩm quà lưu niệm mới hoa vàng, đông trùng hạ thảo… đưa ra thị trường cũng được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên do giá thành cao, sản xuất theo hướng hàng hóa, chưa phục vụ cho du lịch cho nên để lựa chọn làm sản phẩm mang tính đặc sắc, biểu trưng cho Vĩnh Phúc trong lĩnh vực quà tặng, lưu niệm phục vụ khách du lịch, đến nay vẫn chưa hình thành được.

Theo ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Với lợi thế, tiềm năng, sẵn có, Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển du lịch theo ba hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo. Tuy nhiên, thực tế ở Vĩnh Phúc mới chỉ có loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội thu hút được nhiều du khách.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy ngành du lịch phát triển, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh đầu tư xây dựng các khu du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch. Cùng với đó, ngành Văn hóa tổ chức các đoàn Famchip vào các làng nghề nhằm tuyên truyền, quảng bá, khai thác nhu cầu khách du lịch; đưa nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh. Nhưng do chưa được đầu tư phát triển nên sản phẩm hàng lưu niệm ở Vĩnh Phúc đến nay vẫn thiếu tính đặc trưng vùng miền, chưa thu hút được khách du lịch.

Đã đến lúc tỉnh Vĩnh Phúc nên đầu tư, phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch mang tính đặc trưng riêng, có dấu ấn địa phương. Việc xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng không những tăng vị thế, thúc đẩy phát triển của các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc mà còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho người dân.
Nguyễn Thị Thảo
TTXVN

Có thể bạn quan tâm