Những năm qua, công tác phát triển giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Với những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp kiên cố hóa, chế độ ưu đãi hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer… đã góp phần tạo động lực cho giáo dục nơi đây phát triển. Những gia đình Khmer dù còn khó khăn về kinh tế nhưng ngày càng quan tâm đến việc học của con. Nhờ vậy, học sinh Khmer được tạo điều kiện để học tập, từ đó trở thành nguồn nhân lực có chất lượng tiếp tục quay về phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết phản ánh về những nỗ lực trong đầu tư, chăm lo việc học cho học sinh đồng bào Khmer. Đồng thời, phản ánh hành trình gian nan đi tìm con chữ của những gia đình Khmer còn nghèo khó với mong ước đem đến tri thức, tương lai để thế hệ mai sau tiến bộ và đóng góp nhiều hơn vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của tỉnh Vĩnh Long.
Bài 3 (Bài cuối): Phát huy vai trò đội ngũ trí thức
Vĩnh Long đang tập trung phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng nhằm thu hẹp khoảng cách với mặt bằng chung trong khu vực và cả nước. Đặc biệt phát triển giáo dục nhằm xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ và lao động người dân tộc Khmer chất lượng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trí thức Khmer góp phần xây dựng quê hương
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số. Tại tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2005-2010, địa phương này thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh Khmer.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ chi phí cho 170 học sinh Khmer vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Qua đào tạo, nhiều em đã hoàn thành chương trình học, một số được bố trí việc làm, một số tìm được việc làm phù hợp năng lực chuyên môn sau khi ra trường. Qua đó tạo chuyển biến rõ nét, mặt bằng dân trí vùng đồng bào Khmer từng bước được nâng lên. Vai trò, sự đóng góp của tri thức vùng dân tộc trong sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh, nhất là tại vùng có đông đồng bào Khmer ngày càng tăng lên.
Cô Thạch Sô Pha, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh là một trong những học sinh giỏi trở về trường công tác sau khi tốt nghiệp đại học. Cô Thạch Sô Pha cho biết, nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước hai chị em cô được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp, hai chị em được học theo chế độ cử tuyển. Đến nay, cô Sô Pha đã tốt nghiệp và được bố trí về công tác tại Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú, người chị là Thạch Sô Phia hiện là bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người Khmer. Hiện toàn tỉnh có gần 600 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer. Riêng ở cấp tỉnh có 63 người, trong đó 58 người trình độ đại học, 4 người trình độ Thạc sỹ và 1 người trình độ Tiến sĩ.
“Nếu như trước đây, việc bố trí cán bộ Khmer công tác ở các cấp gặp khó khăn do không có nguồn nhân lực đạt chuẩn, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực trong đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Địa phương đã có nguồn cán bộ đồng bào Khmer đủ năng lực để tham gia cấp ủy các cấp, cùng đóng góp cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong triển khai chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer”, ông Thạch Dương nói.
Phát huy vai trò trí thức Khmer
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, việc triển khai đồng bộ các chính sách đã góp phần phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer của tỉnh, hướng đến tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đạt hiệu quả, các địa phương có đông đồng bào Khmer đang xây dựng kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu để tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo khi có chương trình phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương. Việc đào tạo theo hướng này nhằm đảm bảo con em đồng bào Khmer được hỗ trợ học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp vừa có thể được bố trí việc làm phù hợp sau khi hoàn thành chương trình học.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách địa phương quan tâm thực hiện trong giai đoạn hiện nay nhằm thu hẹp khoảng cách với mặt bằng chung trong khu vực và cả nước. Chính vì thế, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu tiên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và chế độ, chính sách đối với trẻ mầm non, học sinh, sinh viên dân tộc Khmer trên địa bàn.
Để công tác giáo dục, đào tạo trong đồng bào Khmer đạt hiệu quả, tỉnh tiếp tục đầu tư sở sở vật chất hiện đại phục vụ việc giảng dạy, nhất là nâng cao chất lượng Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú để đào tạo ra ngày càng nhiều thế hệ học sinh Khmer có đủ trình độ theo học tiếp ở bậc đại học, cao đẳng. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp cho vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo và dạy nghề.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, học không chỉ mang lại kiến thức, nghề nghiệp tức thời mà là điều kiện để người dân, nhất là đồng bào Khmer phát triển và tiến bộ hơn. Vì vậy, bên cạnh sự đồng hành của Nhà nước, chính quyền địa phương thông qua các chính sách khuyến học, khuyến tài vai trò của gia đình, sự nỗ lực của học sinh, sinh viên người Khmer là chìa khóa quan trọng, góp phần quyết định cho việc xây dựng đội ngũ trí thức Khmer đủ năng lực để tham gia xây dựng, phát triển quê hương, đất nước trong tương lai.
Lê Thúy Hằng