Tỉnh Vĩnh Long tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cũng như triển khai các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số nhằm rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập và thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, từ đó phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 2% mỗi năm; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số.
Đến năm 2030, tỉnh không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn và không còn hộ nghèo, cận nghèo còn khó khăn về nhà ở, đất ở. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu có trên 95% cán bộ, công chức cấp xã của vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh Vĩnh Long tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông liên huyện, liên xã kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, quốc lộ để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội. Cùng với đó, tỉnh củng cố và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô các trường mầm non, phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh cũng tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh và nhu cầu lao động tại địa phương.
Mặt khác, tỉnh chú trọng việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp thông qua ngôn ngữ, các ngày lễ, hội, buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 26.500 người dân tộc thiểu số, chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh; riêng người Khmer trên 22.600 người. Đến nay, 100% xã và ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh có đường giao thông nông thôn đảm bảo kiên cố hóa và thuận tiện đi lại cả hai mùa mưa nắng. Tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia và tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình ở vùng đồng dân tộc thiểu số chiếm 98%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các xã đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện chu đáo và kịp thời, mạng lưới y tế cơ sở cơ bản hoàn chỉnh, 100% trạm y tế có bác sỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh hiện còn trên 10,1% và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số trên 9,5% trong tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Phạm Minh Tuấn