Vĩnh Long chủ động thu mua, dự trữ và xuất khẩu gạo

Chế biến gạo tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN.
Chế biến gạo tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN.

Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong 7 tháng năm 2023, các công ty xuất khẩu khoảng 1.645 tấn gạo, giá trị khoảng 844 nghìn USD, chủ yếu sang thị trường Philippines; cung ứng gạo cho các doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu sang các thị trường tại Trung Đông, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc… khoảng 3.000 tấn.

Vĩnh Long chủ động thu mua, dự trữ và xuất khẩu gạo ảnh 1Chế biến gạo tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, ngay từ đầu năm, công ty đã dự báo trước những khả năng và chủ động các giải pháp thu mua, dự trữ và kế hoạch xuất khẩu. Tuy cả Nga và UAE không nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, song việc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu của hai quốc gia này, cùng với việc Ấn Độ (quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu trên thế giới) thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, đã khiến thị trường gạo trên toàn cầu thêm nhiều biến động. Trên thị trường, giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm các thị trường khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc thu mua và nhận đơn hàng mới để tránh các rủi ro khó lường trước. Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo cũng cần có các phương án đảm bảo thị trường nội địa và an ninh lương thực trong nước.

“Từ nay đến cuối năm, nếu các nước tạm ngừng xuất khẩu gạo không gỡ bỏ lệnh cấm thì giá gạo thế giới sẽ biến động rất lớn, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực sẽ tăng cao. Do đó, tình hình tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu cần phải đảm bảo chặt chẽ, hạn chế thấp nhất đến đời sống của người dân”, ông Thành cho biết.

Vĩnh Long chủ động thu mua, dự trữ và xuất khẩu gạo ảnh 2Nhiều mặt hàng gạo tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, trong bối cảnh Ấn Độ và một số quốc gia khác dừng xuất khẩu gạo, tỉnh đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo xuất khẩu gạo có hiệu quả; đồng thời, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo để kịp thời tham mưa giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nhắc nhở các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì mức dự trữ theo quy định.

Về lâu dài, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành công thương, chương trình xúc tiến thương mại, đề án nâng cao năng lực xuất khẩu giai đoạn 2021- 2025, đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông- thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng sản phẩm, cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, xây dựng ấn phẩm quảng bá sản phẩm lúa gạo của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Do tác động của giá lúa tăng cao trong thời gian gần đây nên nông dân nhiều nơi trong tỉnh đã mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông năm 2023. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nông dân đã xuống giống lúa trên 28.750 ha, đạt 95,8% kế hoạch, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vĩnh Long chủ động thu mua, dự trữ và xuất khẩu gạo ảnh 3Vận chuyển gạo tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN.

Nhằm đảm bảo cho sản xuất vụ lúa Thu Đông năm nay thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh và thời tiết ảnh hưởng đến trà lúa đã xuống giống để khuyến cáo, hỗ trợ nông dân phòng, trị sâu, bệnh gây hại lúa kịp thời và bơm tát, bảo vệ lúa không bị ngập, đổ ngã do mưa lớn, gió mạnh.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, nhân rộng các mô hình canh tác tiên tiến và hướng dẫn nông dân áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân cân đối, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, để bán được giá cao.

Phạm Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm