Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh (thứ 3, trái sang) tham dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế châu Á-TBD bang Bayern. |
Phát biểu tại phiên khai mạc với chủ đề “Nhận biết xu thế - Kết nối toàn cầu - Hành động trách nhiệm”, Đại sứ nước ta tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh nhấn mạnh trong năm nay, Việt Nam và Đức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng loạt những hoạt động có ý nghĩa. Tiếp nối thành công của Diễn đàn kinh tế châu Á - TBD của doanh nghiệp Đức (APK) tại TP. Hồ Chí Minh tháng 11/2014, vừa qua Việt Nam cũng được chọn là nước đối tác chính của Diễn đàn châu Á - TBD tại Berlin và lần này Việt Nam lại là nước đối tác chính của doanh nghiệp bang Bayern nói chung và Nürnberg cũng như vùng Trung Franken nói riêng. Theo Đại sứ, điều này không chỉ nói lên xu thế hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mà còn khẳng định Việt Nam là thị trường đáng tin cậy và điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Đức. Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã và đang có những biện pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, như tạo khuôn khổ pháp lý công khai, minh bạch với nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thiểu hồ sơ giấy tờ và thời hạn giải quyết các hồ sơ của doanh nghiệp. Điều này cũng được các doanh nghiệp Đức tại Diễn đàn ghi nhận và đánh giá cao.
Tại cuộc họp báo sau phiên khai mạc, trả lời câu hỏi về vị thế ưu việt của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước khác trong khu vực và điều làm nên sự hấp dẫn của Việt Nam với các doanh nghiệp Đức, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh và đại diện một số doanh nghiệp Đức đã hoạt động thành công ở Việt Nam nhấn mạnh một số yếu tố chủ yếu, bao gồm sự ổn định chính trị; hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện; nguồn nhân lực trẻ, ham hiểu biết, được đào tạo bài bản và mong muốn được làm việc trong môi trường công nghiệp; khuôn khổ đối tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập từ 2011; với Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp ký với Mỹ cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thiết lập cuối năm nay, Việt Nam sẽ là cửa ngõ để doanh nghiệp Đức thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường rộng lớn ở châu Á- Thái Bình Dương. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới yếu tố làm nên sự khác biệt của Việt Nam so với các nước trong khu vực là hơn một trăm nghìn người Việt Nam ở trong nước nói tiếng Đức và hiểu biết văn hoá Đức cũng như khoảng 125.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở Đức. Đây thực sự là những cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước, là nhân tố giúp cho các doanh nghiệp Đức thành công hơn nữa ở Việt Nam.
Khu vực Trung Franken và thủ phủ Nuernberg có vị trí quan trọng ở Đức và châu Âu nhờ nằm ở trung tâm bang Bavaria là bang phát triển nhất nước Đức, nơi tập trung nhiều tập đoàn lớn và vừa của Đức. Với số dân 3,5 triệu, toàn khu vực này đã có 150.000 doanh nghiệp được đăng ký và 50.000 người hoạt động độc lập với tổng số người có việc làm là 1,7 triệu. Tổng sản phẩm quốc nội là 100 tỷ euro, tương đương với CH Séc và Singapores cộng lại; tỷ trọng xuất khẩu đạt trên 45%. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô đã có 500 doanh nghiệp với 85.000 lao động với công nghệ hàng đầu thế giới; trong lĩnh vực tin học có 20.000 doanh nghiệp với 110.000 lao động; 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phục vụ y tế với 120.000 lao động. Riêng trong lĩnh vực tự động hoá, khu vực Nuerberg đã đóng góp 20% vào tổng thu nhập của toàn nước Đức với 40.000 lao động; ngành công nghiệp chế tạo máy có 85.000 lao động kỹ thuật cao.