Năm 1948, để tưởng nhớ hai vị Bí thư huyện ủy Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hi sinh dưới chân núi, nên người dân đã đặt tên là núi Minh Đạm. Năm 1993 khu căn cứ Minh Đạm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (này là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cách mạng theo Quyết định số 57/VHQĐ ngày 18 tháng 01 năm 1993. Căn cứ gồm 04 khu vực chính: Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Đá Chồng và chùa Viên.
Núi Minh Đạm là điểm du lịch lý tưởng cho các loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, về nguồn... |
Hiện nay khu vực Đá Chẻ nằm trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ đã được đầu tư, tôn tạo thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước với những chuyến du lịch về nguồn. Di tích bao gồm Đền thờ 2642 vị anh hùng liệt sỹ và nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, nhà truyền thống, 04 hang: Hanh Huyện Ủy, hang huyện Đội, Hang Thị Xã và Hang Quân y. Sau khi thắp hương cho các liệt sĩ tại đền thờ liệt sĩ Minh Đạm, khách có thể theo đường mòn đi tham quan các khu vực hang động nằm sâu trong núi, nơi đã từng diễn ra các hoạt động ăn ở, hội họp của các quân và dân huyện Long Đất qua 2 kỳ kháng chiến. Minh Đạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, dã ngoại leo núi và du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay./.
Theo dulichvn.org.vn