Cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km, Che Căn được biết tới là bản bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ, là địa điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn đối với du khách khi đến với xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Bản Che Căn dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có đỉnh cao nhất là Pú Huốt, cao hơn 1.700 m so với mặt biển. Chính trên đỉnh núi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt trạm quan sát để theo dõi diễn biến, hình thái chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Che Căn là một trong số ít bản có từ trước năm 1954. Nguyên gốc hai từ “Che Căn” là “Che Cẳn”, với ý nghĩa che chở cho nhân dân ngăn cản giặc ngoại xâm. Bản có 108 hộ và gần 500 nhân khẩu đều là đồng bào Thái đen.
Đến với bản Che Căn, du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên sơ và bình dị, gắn với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái với những nét văn hóa Thái cổ độc đáo ít nơi có được như kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội… Trải nghiệm những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là được thưởng thức những món ăn bản địa, gắn liền với bản sắc ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Tất cả món ăn của người Thái đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, tẩm ướp gia vị rất cầu kỳ, cẩn thận, ăn rất ngon miệng như canh uôi, măng rừng, nộm da trâu, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc... Phương pháp chế biến món ăn cũng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ ngàn xưa để lại và được lưu giữ từ đời này qua đời khác.
Du khách đến với du lịch cộng đồng bản Che Căn còn được hòa mình, trải nghiệm cùng cuộc sống của đồng bào Thái, được tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, cách dệt vải, xe tơ; trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...
Đặc biệt, các nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái đen là điểm nhấn thu hút du khách. Theo quan niệm từ cha ông để lại, nhà sàn truyền thống thường được dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát với lưng tựa vào đồi, núi, mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng. Nhà sàn có hai tầng, tầng trên thường có 3 gian, dành cho sinh hoạt gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới dùng để các nông cụ sản xuất, gỗ, củi.
Homestay Phương Đức là một trong những homestay thuộc nhóm hộ làm du lịch cộng đồng. Theo anh Lò Văn Đức, chủ homestay Phương Đức, được Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ, tư vấn, gia đình anh đã nâng cấp hai ngồi nhà sàn kề nhau, xây dựng thêm các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị, sẵn sàng phục vụ từ 40 – 50 khách trải nghiệm tại nhà sàn. Đến với homestay Phương Đức, du khách sẽ được trải nghiệm các bản sắc văn hóa của đồng bào Thái từ ẩm thực đến giao lưu văn nghệ với những bài hát, điệu múa hấp dẫn.
Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Ngày 29/6/2006, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 2620/QĐ-BVHTT công nhận Che Căn là bản truyền thống tiêu biểu dân tộc ít người và là một trong 20 bản văn hóa truyền thống của cả nước được đầu tư bảo tồn. Từ những lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, gắn với vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, nơi đặt Sở Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cùng với xu hướng phát triển của xã hội và sự đầu tư của nhà nước về đường giao thông thuận tiện, ngày nay Che Căn đã trở thành bản kiểu mẫu về du lịch cộng đồng, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách khi đến Điện Biên.
Hương Hiền – Phương Nam