Chiều 12/10, lần đầu tiên triển lãm đồ họa mở mang tên Đồng Vọng được tổ chức tại Di tích Văn Miếu – Quốc Từ Giám (Hà Nội), mang đến một vẻ đẹp mới của nghệ thuật đồ họa tranh in theo hình thức mở. Sự kiện do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Khoa Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Triển lãm đồ họa mở Đồng Vọng trưng bày các tác phẩm đồ họa mới của 8 tác giả là giảng viên và cựu sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ở đó, những câu chuyện, hình ảnh xa xưa như: Tiên nữ - cánh diều và mái đình, Cá chép hóa rồng, Chiếc quạt của bà, Non cao đường dài, Vinh quy bái tổ… được khai thác theo các góc sáng tạo cá nhân, nhưng cùng có chung cách nhìn về những giá trị truyền thống, đạo học, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong mỹ thuật. Bên cạnh đó là những đối thoại, tình yêu với di sản của các tác giả được thể hiện qua các hình tượng nghệ thuật.
Tham gia triển lãm với tác phẩm "Chiếc quạt của bà", tác giả Lê Thị Thanh chia sẻ: Tác phẩm lấy ý tưởng về câu chuyện ngày xưa khi bà nội tác giả hay kể những câu chuyện về tấm gương học hành trong lịch sử, về vẻ đẹp của hoa văn truyền thống dân tộc. Thông qua đó, tác giả muốn chuyển tải chiếc quạt di sản bao gồm câu chuyện kể của bà và những tấm gương học hành, sự hiển đạt vinh danh các tiến sĩ từ xưa đến nay. Trong đó, các hình rồng, mây, hoa bảo tiên… kết hợp với kỹ thuật in ấn từ in lưới, in độc bản, in dập tạo nên bộ tranh độc đáo.
Bên trong mỗi tác phẩm, cùng với sự liên kết, đối ngẫu của các hình thể xa xưa và các biểu tượng, ký hiệu cho thời hiện tại, cho tiếng nói cá nhân, người xem còn được khám phá những nét riêng của mỗi kỹ thuật, phương pháp, chất liệu thể hiện tranh in. Vẻ đẹp của tranh khắc gỗ, khắc cao su hay in nổi, in lõm được "lạ hóa" khi ở trong trạng thái và không gian ba chiều thực, tương tác với chuyển động gió, với kiến trúc và ánh sáng, với người xem… Tất cả nhằm đem lại sự cảm nhận tích cực nhất cho người xem ở mặt thị giác và nội dung nghệ thuật; cho mối quan hệ người xem - tác phẩm - tác giả trở nên gần gũi, cởi mở … để cùng cất lên tiếng nói đồng thanh vọng từ quá khứ đến hôm nay và mai sau. Các tác phẩm tham gia triển lãm mang hơi thở hiện đại, mới mẻ, có tính tương tác cao với không gian thực địa, mang lại cảm nhận rõ về ý nghĩa nội dung nghệ thuật.
Ông Lê Xuân Kiêu (Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cho rằng, những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm là sự hòa quyện giữa giá trị di sản với hơi thở cuộc sống đương đại trong không gian di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông hy vọng triển lãm mang lại cảm hứng thú vị cho công chúng và du khách, góp phần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn mà còn trở thành không gian sáng tạo.
Một thập kỷ gần đây, thuật ngữ đồ họa mở đã xuất hiện và đang dần được biết tới trong cộng đồng sáng tác và đào tạo ngành đồ họa ở Hà Nội. Đồ họa mở là cách gọi đã được Việt hóa để có thể bao hàm một cách tối đa những hình thức biểu đạt mới của nghệ thuật đồ họa, kết nối với các nghệ thuật khác. Trong đó chủ yếu là đưa các hình ảnh, hình tượng đồ họa từ không gian hai chiều truyền thống sang không gian ba chiều của điêu khắc hay nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn với sự tham gia của ánh sáng và cả âm thanh.
Triển lãm diễn ra đến ngày 6/11.
Đinh Thuận