Lặn biển khai thác hải sản là một nghề phổ biến của ngư dân huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện công suất nhỏ, thiết bị lặn thô sơ và số lượng lao động trên thuyền ít khiến ngư dân phải đối diện với hiểm nguy, nhiều khi tính mạng bị đe dọa.
Ông Dương Tập (50 tuổi), huyện Lý Sơn, đã có hơn 20 năm hành nghề lặn biển để mưu sinh. Theo ông Tập, nghề này mang lại thu nhập cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Vào cuối tháng 6 vừa qua, trong lúc ông đang lặn ở độ sâu khoảng 30 m thì máy tạo khí oxy bị hỏng. Sự cố xảy ra trong đêm làm người bạn cùng lặn của ông mất tích đến nay không tìm thấy. Ông đã may mắn được cứu nạn sau 2 giờ trôi dạt trên biển. Sau đó, ông đã quyết định từ bỏ nghề lặn biển để tìm công việc mới.
Lặn biển khai thác hải sản là nghề mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân so với các nghề khác. Tuy nhiên, ngư dân hành nghề này sử dụng thiết bị lặn thô sơ, phương tiện công suất nhỏ, thuyền xa bờ có khoảng 15 người, còn ven bờ chỉ 2-3 người, nên khi máy nén khí hư hỏng, ống dẫn khí bị đứt, hoặc giông gió bất thường, người lặn khó tránh khỏi tai nạn.
Ngư dân Nguyễn Tý, huyện Lý Sơn, cho biết ở độ sâu lớn, áp suất nước cực cao, chỉ cần máy cung cấp oxy gặp sự cố hoặc trồi lên mặt biển quá nhanh, người lặn sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ngư dân khi lặn sẽ mang thắt lưng chì nặng 10 kg, ngậm ống thở nối với máy cung cấp oxy rồi lao xuống biển. Chỉ với trang bị đơn giản như thế nhưng những kình ngư Lý Sơn có thể chinh phục độ sâu từ 50 – 60 m.
Đã 15 năm trôi qua, anh Nguyễn Vui (40 tuổi), huyện Lý Sơn vẫn không quên được những hình ảnh, cảm giác khi anh bị tai nạn trong một lần lặn ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Lúc đó, vì sự cố giảm áp, anh Vui đã bị liệt nửa thân dưới dù đã được gia đình đưa đi khắp nơi chữa trị.
Anh Vui cho hay: Hồi đó bình quân một chuyến ra khơi khoảng 30 ngày, anh được chia từ 20-30 triệu đồng, chuyến cao nhất là 40 triệu đồng. Thu nhập cao như vậy, nhưng với những chuyến lặn kéo dài ở độ sâu hơn 60 m, anh đã bị biển "quật ngã". Cảm giác tỉnh dậy với nửa thân dưới bị liệt đã khiến anh bị sốc và hụt hẫng. Từng ngang dọc khắp các vùng biển, giờ đây anh phải gắn chặt với chiếc xe lăn.
Lặn biển là một trong những ngành nghề chính của ngư dân Lý Sơn. Dù năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người, mất tích, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, coi thường sự an toàn và đặt cược tính mạng mình cho biển cả. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn, toàn huyện có khoảng 600 tàu với 1.200 ngư dân hành nghề lặn ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, tại huyện đảo có khoảng 100 trường hợp bị tai biến do giảm áp, trong đó có nhiều người tử vong.
Ngư dân Nguyễn Sĩ, huyện Lý Sơn, cho biết: Nhiều người đã chết hụt với nghề lặn, nhưng rồi lại quay lại với nghề. Ngư dân Lý Sơn gắn với biển từ bé, nên dù biết nguy hiểm nhưng không đi thì nhớ biển, nhớ Hoàng Sa, Trường Sa.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn cho rằng, trước kia, do thiết bị thô sơ, thiếu kỹ thuật nên nhiều ngư dân bị tai biến, tử vong vì hiện tượng giảm áp. Năm 2008 và 2016, huyện phối hợp với một tổ chức phi chính phủ tập huấn kỹ thuật lặn và cách sơ, cấp cứu cho ngư dân. Gần đây, hệ thống oxy, máy đo độ sâu, các trang thiết bị lặn cũng được trang bị đầy đủ hơn nên những tai nạn do giảm áp khi lặn giảm rõ rệt.
Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn và quán triệt để ngư dân có các kỹ năng sơ, cấp cứu ban đầu nếu không may có người trên thuyền gặp nạn. Đồng thời, địa phương khuyến khích ngư dân sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm hạn chế tai nạn trong quá trình lặn.
Đinh Hương