Vận động nhân dân hiến đất đầu tư hạ tầng nông thôn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về Cuộc vận động nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, trọng tâm là đường giao thông ở khu vực nông thôn, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.

vna_potal_du_an_thanh_phan_3_cao_toc_chau_doc_–_can_tho_–_soc_trang_thi_cong_dat_tren_680_ty_dong_7467230.jpg
Thi công làm đường giao thông. Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, hiệu quả Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thường xuyên, lâu dài, kiên trì, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Các đơn vị tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện Cuộc vận động; trong đó phải xác định rõ quyết tâm chính trị và vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng là yếu tố then chốt hàng đầu, có ý nghĩa quyết định sự thành công của Cuộc vận động.

Các địa phương tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động đến từng địa bàn dân cư, từng đối tượng, cán bộ, đảng viên, huy động cao nhất sự tham gia của cộng đồng; làm cho các hộ dân đang sinh sống dọc hai bên các tuyến đường hiểu rõ lợi ích của việc hiến đất để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông, nhất là nâng cao giá trị quyền sử dụng đất hai bên đường. Các địa phương đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, khơi dậy tinh thần vì cộng đồng, tự nguyện, tự giác của mỗi người dân; chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân; đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Cuộc vận động và trong tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, xóm giềng hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động.

Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Cuộc vận động, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo cấp huyện và Ban Vận động cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ cấp ủy về nhiệm vụ được phân công.

Các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng hệ thống đường giao thông, công trình công cộng và căn cứ vào quy hoạch, khả năng thực tế để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai thực hiện; tập trung vận động nhân dân hiến đất mở rộng tuyến đường huyện, xã và đường thôn, bản, ngõ xóm kết hợp với di chuyển cột điện, cột viễn thông đến vị trí phù hợp; đầu tư hệ thống thoát nước, chỉnh trang lại tường rào, trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường.

UBND cấp huyện, xã bố trí, đảm bảo ngân sách, đồng thời vận động, huy động thêm nguồn lực từ cộng đồng, xã hội và nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đường giao thông sau khi có mặt bằng do nhân dân hiến đất; huy động đa dạng nguồn lực, ngày công hỗ trợ xây dựng, hoàn trả lại các công trình bị tháo dỡ để hiến đất (nhà ở, tường rào, cổng, công trình phụ...), tạo điều kiện cho người dân hiến đất ổn định cuộc sống….

Ban Dân vận Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân ở hai bên tuyến đường cần mở rộng tự nguyện hiến đất, xây dựng lại và chỉnh trang các công trình công cộng phục vụ dân sinh…

Trong những năm qua, công tác vận động nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường giao thông và các công trình công cộng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện, đạt kết quả tích cực. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, người dân đã hiến gần 1,5 triệu m2; di dời, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư (trị giá hơn 57 tỷ đồng); phá dỡ hơn 2.400 công trình (gồm tường rào, cổng nhà, sân, nhà vệ sinh..., trị giá hơn 90 tỷ đồng). Nhân dân còn đóng góp tiền mặt hơn 640 tỷ đồng và hơn 590.000 ngày công lao động (trị giá khoảng 202 tỷ đồng) để xây dựng lại tường bao, công trình công cộng mới, mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn….

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm