Toàn cảnh Hội nghị Dân tộc học năm 2018. Ảnh: cema.gov.vn |
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc luôn có vị trí then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc và thực hiện nhiều chính sách dân tộc quan trọng, những kết quả đạt được có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, sự biến đổi của các hình thức sinh kế, biến đổi xã hội (cấu trúc xã hội, phân tầng xã hội, giá trị xã hội, quan hệ xã hội), sự biến đổi về: văn hóa, môi trường, tôn giáo, tín ngưỡng cũng như những vấn đề mới trong giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ, dân số, dân cư, lao động, việc làm, thu nhập... của các tộc người hiện đang đem lại nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn trong quá trình phát triển bền vững của các tộc người nói riêng và quốc gia Việt Nam nói chung.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, bản chất, các yếu tố tác động và ảnh hưởng của những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về tộc người và chính sách dân tộc ở Viêt Nam trong sự so sánh với các vấn đề tộc người và chính sách dân tộc của những quốc gia láng giềng, nhằm xây dựng cơ sở khoa học góp phần đổi mới việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết các vấn đề dân tộc ở nước ta. Đồng thời, góp phần phát triển bền vững các tộc người và xây dựng cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam thống nhất trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế là hết sức quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang nhấn mạnh.
Các tham luận tại hội nghị trung vào những vấn đề như: Chính sách đến thực tiễn phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay; Chính sách hỗ trợ phát triển và bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số rất ít người; ý thức dân tộc và chủ nghĩa dân tộc; vấn đề bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau giữa các dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh; vấn đề xung đột tộc người và quản lý xung đột từ góc độ chính sách...
Chia sẻ về giải pháp giảm thiểu xung đột tộc người và quản lý xung đột tộc người từ góc độ chính sách, Thạc sỹ Vũ Tuyết Lan, Viện Dân tộc học cho rằng, xung đột tộc người luôn có nguy cơ xảy ra vì bản thân mỗi tộc người đã có những yếu tố có nguy cơ gây nên xung đột. Điều cốt yếu với mỗi quốc gia đó là việc nhìn nhận, đánh giá các nguy cơ đó cũng như cơ chế ứng phó và xử lý khi xung đột xảy ra và hậu xung đột như thế nào. Vì vậy, để xây dựng nền tảng thống nhất và hoà hợp tộc người, mỗi quốc gia cần có cơ chế, giám sát và quản lý xung đột cùng với chính sách nhằm ứng phó và xử lý khi có xung đột và hậu xung đột của mỗi quốc gia...
Đến nay, tốc độ phát triển kinh tế nước ta nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng tăng lên khá rõ rệt, tình hình xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống văn hoá của người dân ngày càng được nâng cao, quyền của người dân các dân tộc được đảm bảo, tỷ lệ và mức độ đói nghèo liên tục giảm, chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khoẻ được tăng cường, cơ sở hạ tầng và thông tin truyền thông phát triển tương đối đồng bộ... cùng với đó, công tác xây dựng, thực hiện, giám sát, tư vấn, đánh giá chính sách nói chung và chính sách dân tộc nói riêng từng bước được đổi mới, hoàn thiện, thể chế hoá và thực thi hiệu quả rộng khắp trên cả nước.
Lý Thanh Hương