Vaccine mới phòng bệnh sốt rét đạt hiệu quả thử nghiệm cao

Vaccine mới phòng bệnh sốt rét đạt hiệu quả thử nghiệm cao

Các nhà nghiên cứu cho biết một mũi tăng cường vaccine R21/Matrix-M ngừa sốt rét do Đại học Oxford của Anh phát triển giúp duy trì khả năng bảo vệ cao phòng căn bệnh này, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể sản xuất vaccine này với giá thành thấp trên quy mô lớn trong một vài năm tới.

Theo bài viết đăng tải trên tạp chí Lancet Infectious Diseases số ra ngày 8/9, nhóm các chuyên gia quốc tế đã tiến hành nghiên cứu tiêm 3 mũi vaccine cho 450 trẻ em từ 5-17 tháng tuổi tại Burkina Faso - nơi bệnh sốt rét gây ra khoảng 22% số ca tử vong - trong năm 2019. Số trẻ này được phân chia thành 3 nhóm, trong đó 2 nhóm được tiêm vaccine R21/Matrix-M với liều lượng khác nhau và nhóm đối chứng thứ 3 được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trước mùa mưa năm 2020, khi số ca mắc sốt rét gia tăng, 409 trẻ đã được tiêm một mũi tăng cường. Kết quả nghiên cứu trong giai đoạn thử nghiệm 2b cho thấy ở nhóm được tiêm mũi tăng cường với liều lượng cao hơn, tỷ lệ bảo vệ tăng tới 80%. Hiệu quả bảo vệ đối với nhóm tiêm liều thấp hơn là 70%.

Điều quan trọng là mũi tăng cường đã nâng lượng kháng thể lên mức tương đương mức ghi nhận sau đợt tiêm các mũi đầu tiên.

Năm ngoái, một loại vaccine khác do công ty dược phẩm danh tiếng Glaxo Smith Kline (GSK) của Anh sản xuất đã trở thành vaccine đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng trên diện rộng phòng bệnh sốt rét và cho đến nay hơn 1 triệu trẻ em tại châu Phi đã được tiêm loại vaccine này. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả vaccine của GSK chỉ đạt khoảng 60% và suy giảm đáng kể theo thời gian, ngay cả khi tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, vaccine R21/Matrix-M của Oxford đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh sốt rét 77% trong nghiên cứu được công bố năm ngoái.

Nhóm nghiên cứu cho rằng vaccine R21/Matrix-M có thể đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực phòng ngừa bệnh sốt rét - căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của 627.000 người, phần lớn là trẻ em ở châu Phi, chỉ riêng trong năm 2020.

Trưởng nhóm nghiên cứu Halidou Tinto tại Viện nghiên cứu y tế IRSS của Burkina Faso bày tỏ vui mừng trước hiệu quả cao chỉ sau một mũi tiêm tăng cường vaccine R21/Matrix-M.

Ông Adrian Hill, đồng tác giả nghiên cứu tại Oxford nhận định nếu đẩy nhanh sản xuất số lượng lớn vaccine R21/Matrix-M và tiêm mũi tăng cường vaccine này, nhiều khả năng có thể giảm 70% số ca tử vong vì sốt rét vào năm 2030.

Ông Hill cho biết thêm Oxford đang hợp tác với Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Viện này sẵn sàng và có thể sản xuất 200 triệu liều vaccine mỗi năm kể từ năm 2023.

Dự kiến sau năm nay, kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine R21/Matrix-M đối với 4.800 người tại 4 quốc gia sẽ được công bố và có khả năng bước đi này sẽ mở đường cho việc cấp phép sử dụng vaccine R21/Matrix-M phòng bệnh sốt rét.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm