Bên cạnh việc khởi công một số cơ sở khám chữa bệnh lớn tại Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Liêm Tuyền, Hà Nam; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình 175; Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nhi Hà Nội, ngành đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở khám và điều trị của các bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh: Trung tâm Ung bướu và tim mạch trẻ em - Bệnh viện Bạch Mai, Khu điều trị 15 tầng của bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Nội tiết, Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, cải tạo nâng cấp bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên..., và hàng loạt các bệnh viện địa phương.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Ngành y tế tăng cường kiểm tra hoạt động đầu tư, sử dụng trang thiết bị trong các cơ sở y tế; tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Hội Trang thiết bị y tế Việt Nam và chuyên gia để đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất đề tài ưu tiên nghiên cứu, chế tạo sản xuất trang thiết bị y tế.
Hệ thống sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế được mở rộng. Cả nước hiện có 48 đơn vị nghiên cứu chế tạo và sản xuất trang thiết bị y tế với 621 sản phẩm được sản xuất trong nước và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra và nghiên cứu đề xuất giải pháp hỗ trợ chính sách thuế đối với đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế trong nước; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế nhằm cải cách các thủ tục hành chính.
Ngành y tế cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, trong đó đã chú trọng công tác đào tạo đội ngũ nhân lực kỹ thuật về trang thiết bị y tế cho ngành. Cả nước đã có 62% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 26,1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và 31,9% bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã tổ chức được tổ bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Bộ Y tế phối hợp với các ngành có liên quan đã xây dựng và ban hành được tổng số 135 tiêu chuẩn ngành và 35 tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực trang thiết bị y tế; tăng cường năng lực mạng lưới kiểm chuẩn và kiểm định trang thiết bị y tế.
Trong thời gian tới, bên cạnh chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, ngành y tế tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, thuốc thiết yếu cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã, ưu tiên các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngành đổi mới cơ chế hoạt động; thí điểm và mở rộng mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe gia đình; phát triển đội ngũ bác sỹ gia đình và lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình vào y tế tuyến cơ sở; thiết lập hệ thống chuyển tuyến hiệu quả.
Ngành tập trung xây dựng các cơ chế tài chính theo hướng tạo động lực cho cán bộ, nhân viên y tế để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời bảo vệ tài chính cho người sử dụng dịch vụ tại mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới phương thức chi trả bảo hiểm y tế theo định suất, mở rộng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến xã; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản được cung ứng bởi mạng lưới y tế cơ sở./.