Ứng phó với bão số 13: các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão

Công tác ứng phó với bão số 13 đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai tích cực, khẩn trương. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão, không được chủ quan, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.

Ứng phó với bão số 13: các  tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng  thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống bão ảnh 1Cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế giúp người dân xã Phong Hải, huyện Phong Điền đưa tàu thuyền vào vị trí an toàn để tránh trú bão số 13. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa lớn, trên đất liền có gió mạnh dần lên. Để ứng phó với bão, toàn tỉnh tiến hành di dời hơn 19.000 hộ dân ở các vùng xung yếu nguy đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn là 2.062 chiếc với 11.350 lao động; phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến. Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá… UBND tỉnh cũng đã ban hành công điện khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 12 giờ ngày 14/11/2020 cho đến khi có thông báo mới. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14-15/11/2020.

Sáng 14/11, kiểm tra công tác di dời dân cư để phòng, chống bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, các địa phương khẩn trương triển khai việc sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng, nhà không kiên cố; người dân phải chấp hành các khuyến cáo của chính quyền địa phương, chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Lực lượng Công an phải bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Chính quyền địa phương bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó bão số 13, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại địa bàn xung yếu. Các địa phương cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân...

Thời gian vừa qua, người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phải gồng mình gánh chịu thiệt hại nặng nề khi bão chồng bão, lũ chồng lũ. Hiện tại nhiều vùng trũng của tỉnh như huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà nước vẫn còn ngập, nhiều khu dân cư bị chia cắt. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn.

Tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền hiện có 800 hộ dân ở các thôn Sơn Tùng, Cao Ban, La Vần và Triều Dương bị ngập nặng hơn 1 tháng nay, giao thông bị chia cắt khiến đời sống người dân khó khăn. Ông Hoàng Viết Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: Hiện nay, địa phương đã hoàn thành di dời 146 hộ với 345 khẩu ở vùng xung yếu đến các địa điểm kiên cố, an toàn. Bão số 13 là một cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, vì vậy chính quyền địa phương đã xây dựng các phương án chủ động ứng phó. Ngoài việc, tập trung di dời các hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng, ven sông suối, ven biển, nguy cơ sạt lở đất lũ ống lũ quét, các địa phương triển khai việc hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân yên tâm tránh trú bão.

Tại xã ven biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, trước diễn biến phức tạp của bão số 13, địa phương đã triển khai các phương án ứng phó đồng thời khẩn trương di dời người dân ở các nơi xung yếu đến nơi an toàn. Chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ có nhà cao tầng phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ chia sẻ nơi ăn cho các hộ ở vùng thấp trũng, bị sạt lở. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, ứng phó với bão số 13, địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án theo phương châm "4 tại chỗ", tuyên truyền hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà cửa nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản hoàn tất việc di dời 114 hộ với 463 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn. Các lực lượng chức năng đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho người dân trong suốt thời gian tránh bão.

*Xác định cơn bão số 13 có tính chất phức tạp, nguy hiểm, từ sáng 13/11 đến nay, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão này. Trong đó quan trọng nhất là công tác di dời dân và chằng chống nhà cửa để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Từ sáng sớm 14/11, lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã tập trung tại phường để chuẩn bị đi hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền chống bão.

Theo ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), để đối phó với cơn bão số 13, Ban Chỉ đạo phường đã họp và phân công các lực lượng của phường, các khu dân cư triển khai ngay công tác hỗ trợ nhân dân phòng chống bão. Phường đã thành lập 5 tổ xung kích để đến hỗ trợ tận nhà người dân. Cơn bão số 13 có tính chất phức tạp, cường độ mạnh nên phường đã tăng cường kiên cố hóa cho nhà dân nhiều hơn so với những cơn bão trước. Đối với những nhà có nguy cơ bị tốc mái, hư hỏng cao, lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán sang các nhà hàng xóm kiên cố, nhà người thân quanh khu vực để đảm bảo an toàn cho người dân.
 
 “Hiện chúng tôi đã hỗ trợ chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn cho 15 hộ dân. Đến chiều 14/11 nếu còn người dân đăng ký với các tổ dân phố thì sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm. Bên cạnh đó, công tác cắt tỉa, chèn chống cây xanh đô thị trên địa bàn cũng đang được triển khai tích cực nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho người dân” , ông Lê Công Đông cho biết. 
 
 Là địa phương có nhiều đồi núi, sông hồ nên huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt cao. Sáng 14/11, lực lượng chức năng xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) đã tổ chức sơ tán cho khoảng 120 hộ dân sống ở khu vực dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao. Địa điểm được chọn di dân đến là các nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố. Tại đây, người dân được bố trí chỗ ăn ở và các thực phẩm thiết yếu.
 
 Ông Nguyễn Phú Kiểm, Trưởng thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cho biết, sáng 14/11, lực lượng chức năng đã tiến hành di dời 32 hộ, đang khẩn trương sơ tán một số hộ còn lại trong buổi chiều cùng ngày. Đây là những hộ dân có nhà nằm sát chân núi, có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.
 
 Theo Trung tá Lê Văn Cúc, Trưởng Công an xã Hòa Ninh, liên tiếp nhiều vụ sạt lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại các tỉnh lân cận, nên đa phần người dân đều ý thức hơn về đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn tâm lý muốn cố nán ở lại để trông coi nhà cửa, tài sản, vật nuôi. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phải kiên trì vận động và có biện pháp bảo vệ tài sản cho người dân. 
 
 Với diễn biến thời tiết phức tạp và cực đoan như hiện nay, mưa kéo dài liên tục hàng tháng khiến nền đất yếu, khối trượt lớn, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố Đà Nẵng sáng 14/11, để ứng phó với bão số 13, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán, di dời 18.889 hộ dân với 92.631 nhân khẩu đến các nơi tránh trú an toàn.

* Trước diễn biến phức tạp và sức gió nhanh, mạnh của bão số 13, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo tất cả các địa phương trong tỉnh cùng lãnh đạo của các trường học trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học chiều 14/11 và sẽ đi học lại sau khi bão tan, tùy vào thực tế tại các địa phương. 

 Hiện, tất cả các trường học cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất các phương án phòng chống bão số 13 trước 12 giờ ngày 14/11, theo Công điện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về tập trung ứng phó với bão số 13 và tình hình mưa lũ.
 
  Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh có 3.048 tàu cá với 13.585 lao động. Trong đó, 15 tàu cá với 671 lao động của tỉnh Quảng Nam còn đang hoạt động trên biển. Các tàu này đều đã được lực lượng chức năng thông báo hướng đi của bão và tránh trú bão an toàn ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Số tàu cá còn lại với 12.914 lao động không hoạt động. Ngoài ra, tỉnh còn có 5 tàu vận tải với 50 thuyền viên đang neo đậu tại Cù Lao Chàm. Mặc dù các tàu này đã được lực lượng chức năng thông báo, yêu cầu rời khỏi khu vực Cù Lao Chàm đi vào các cảng và khu vực phía Nam để tránh bão nhưng do sóng lớn các tàu không thể vào được. 
   Tính đến trưa 14/11, tất cả những tàu thuyền không hoạt động đã được cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cùng với các lực lượng tại địa phương và các hộ dân chằng chống, neo đậu an toàn, phòng tránh gió bão làm va đập, hư hỏng…/.
 
                                         Trịnh Bang Nhiệm 

                                                 Quốc Dũng, Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm