Tuyên Quang tích cực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang tích cực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số toàn tỉnh trên 780 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 53,7%. Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có cuộc sống ổn định, những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần… của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng được nâng lên.

Tuyên Quang tích cực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1 Một góc làng quê đồng bào dân tộc Tày, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Ông Hoàng Văn Hảo, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tỉnh hiện có 63 xã, 123 thôn bản đặc biệt khó khăn khu vực II được đầu tư theo Chương trình 135. Để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ như: Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát; tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Tuyên Quang tích cực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Điện lưới đến tận vùng sâu, vùng xa ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Trong giai đoạn 2003 - 2019, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư trên 2.216 tỷ đồng xây dựng 1.740 công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (đường giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt…) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư trên 167 tỷ đồng hỗ trợ cước vận chuyển giống lúa lai, ngô lai, phân bón, hỗ trợ mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; đầu tư trên 80 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững; đầu tư xây dựng 72 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ trên 8.200 hộ nghèo xây dựng nhà ở, tổng trị giá trên 8,9 tỷ đồng…

Với việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đang ngày càng được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đến nay, 100% xã, trên 99% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 86,5% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2016 – 2020) giảm còn 15,38%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 25,05%...

Tuyên Quang tích cực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3 Người dân khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết: Hồng Thái là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Na Hang. Xã có 316 hộ dân, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Daongười Mông. Từ nguồn vốn Chương trình 135, xã có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đoàn kết trong phát triển kinh tế của người dân địa phương… xã đã “về đích” nông thôn mới. Hiện, 100% đường trục xã, đường đến trung tâm huyện đã được nhựa hóa; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Phát huy thế mạnh của địa phương, xã đang dần trở thành vùng nông sản sạch của huyện Na Hang với gần 60ha lê (trong đó 25ha đã cho thu hoạch); trên 60ha chè Shan Tuyết, 30ha chè Phúc Vân Tiên và gần 5ha rau trái vụ (chủ yếu là rau bắp cải)… thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,04%...

Ông Đặng Xuân Cường, dân tộc Dao, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái chia sẻ, chưa bao giờ đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Hồng Thái được nâng cao như hiện nay. Được Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa thôn bản... người dân trong xã mừng lắm. Đường xá được bê tông hóa giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Các sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng bán được giá cao hơn, không bị thương lái ép giá, đầu ra ổn định nên người dân địa phương an tâm sản xuất, nỗ lực phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững…

Mặc dù, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang ngày càng được cải thiện, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ… nhưng công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; cơ sở hạ tầng ở một số xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; công tác kiểm tra, giám sát về công tác dân tộc, thực hiện chương trình, dự án trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có mặt hạn chế…

Tuyên Quang tích cực chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4Đồng bào dân tộc thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn, Tuyên Quang) quét dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Chia sẻ về phương hướng trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Hảo - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, giúp đỡ nhau cùng phát triển; rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động, lồng ghép các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các xã, các thôn, bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất, giao thương trao đổi hàng hóa...

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phục tráng một số loại cây giống tốt của địa phương; phát triển những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng vùng. Bên cạnh đó, Tuyên Quang sẽ tiếp tục quan tâm, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề đạt 52%; thôn bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2 – 2,5%/năm; 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn hiện nay; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn…

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm