Tuyên Quang chủ động phòng trừ sâu bệnh giảm thiệt hại vụ mùa

Tuyên Quang chủ động phòng trừ sâu bệnh giảm thiệt hại vụ mùa

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, một số diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng đã tạo môi trường thuận lợi cho bệnh hại phát sinh gây hại. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn các biện pháp nhằm tập trung, chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hạn chế tối đa những thiệt hại cho cây trồng do thiên tai gây ra, kịp thời khôi phục lại sản xuất.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có trên 1.000 ha lúa mùa bị nhiễm sâu, bệnh hại; trong đó, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn, Hàm Yên, Sơn Dương đã ghi nhận tập đoàn rầy, mật độ nơi cao 800-900 con/m2, cục bộ 2.000-3.000 con/m2 (tuổi 1-2-3); bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại, tỷ lệ nơi cao 5-10% số lá, cục bộ 20-25% số lá; sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 tiếp tục gây hại...

Tuyên Quang chủ động phòng trừ sâu bệnh giảm thiệt hại vụ mùa ảnh 1Hơn 1000 ha lúa ở Tuyên Quang bị nhiễm sâu bệnh trong tổng số gần 24.700 ha lúa gieo cấy. Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh, lan rộng gây hại trên các trà lúa mùa sớm giai đoạn làm đòng-trỗ bông, lúa mùa chính vụ giai đoạn đứng cái - làm đòng.

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, vụ Mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy gần 24.700 ha lúa. Thời điểm này, lúa đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, chuẩn bị trổ bông.

Tuyên Quang chủ động phòng trừ sâu bệnh giảm thiệt hại vụ mùa ảnh 2Nhiều loại sâu, bệnh phát triển mạnh, gây hại lúa diện rộng. Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Tuy nhiên thời tiết những ngày qua mưa nhiều, trên đồng ruộng một số nơi xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá, nấm... có khả năng làm giảm năng suất nếu không được phòng trừ kịp thời.

Chi cục đã hướng dẫn nông dân tập trung làm cỏ cho lúa, giữ mực nước vừa đủ, ổn định trên chân ruộng; thực hiện bón phân để đón đòng.

Ngoài bón phân, bà con chú ý làm sạch cỏ bờ để hạn chế sâu hại trú ngụ và gây hại khi lúa trỗ đòng. Chú ý bón phân giai đoạn này cần bón phân cân đối và đủ lượng, tuyệt đối không bón thừa đạm, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát sinh gây hại. Giai đoạn này cây lúa đạt tối đa kích thước về thân, lá, rễ khả năng phát triển kém. Vì vậy, nếu bị sâu bệnh hại tấn công thì cây lúa sẽ không phục hồi bù đắp những thân lá do sâu bệnh gây ra như các giai đoạn trước đó, trong khi giai đoạn này cây lúa rất dễ mẫn cảm với sâu bệnh hại nên bà con phải hết sức đề phòng, đặc biệt là phải bảo vệ tốt lá đòng.

Các địa phương đôn đốc, hướng dẫn nhân dân vệ sinh bùn rác trên ruộng và hệ thống kênh mương để khơi thông dòng chảy; theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại trên những diện tích cây trồng bị ngập, úng, đổ gãy để kịp thời có biện pháp phòng trừ hiệu quả; lưu ý các đối tượng sâu, bệnh hại: sâu cuốn lá, rầy, bệnh bạc lá, bệnh thối nhũn, đốm sọc vi khuẩn... Thời điểm phòng trừ tốt nhất từ ngày 1- 10/9.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, hiệu ứng thời tiết tiêu cực sau bão số 3 khiến tình hình dịch bệnh trên cây trồng có nguy cơ phát triển mạnh; trong đó, đáng chú ý là sâu đục thân, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn và chuột gây hại trên 2 trà lúa.

Tuyên Quang chủ động phòng trừ sâu bệnh giảm thiệt hại vụ mùa ảnh 3Nhiều địa phương ghi nhận tập đoàn rầy, mật độ nơi cao 800-900 con/m2, cục bộ 2.000-3.000 con/m2 (tuổi 1-2-3). Ảnh: Nam Sương – TTXVN

Để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, việc phòng, trừ sâu bệnh cần được các cấp, ngành chức năng giám sát, hướng dẫn bà con nông dân dân thường xuyên quan tâm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Nam Sương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm