Tại lễ mít tinh nhân dịp 15 năm "Ngày bảo hiểm Y tế Việt Nam" do Bộ Y tế tổ chức ngày 1/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế đặc biệt là các quyền lợi để giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa...
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đại biểu bộ, ban, ngành, đoàn thể tham dự sự kiện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long gửi lẵng hoa chúc mừng.
Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Trải qua 15 năm triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế đầu tiên của Việt Nam, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, chính sách bảo hiểm y tế của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với tỷ lệ người tham gia tăng, quyền lợi được mở rộng và số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng, bảo hiểm y tế đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta...
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 12/2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỉ lệ bao phủ 93,35% dân số.
“Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hướng lớn của đại dịch COVID - 19, tỷ lệ này chứng tỏ bảo hiểm y tế đã là một nhu cầu của đời sống xã hội, nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế được nâng cao, chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ bảo hiểm y tế đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo.
"Quỹ bảo hiểm y tế luôn được cân đối và có kết dư đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ tài chính cho người tham gia bảo hiểm y tế khi ốm đau bệnh tật phải khám và điều trị. Chính sách bảo hiểm y tế đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.
Đến năm 2030, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc về vai trò của bảo hiểm y tế như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình công tác của các cơ quan Đảng và chính quyền.
Nguồn tài chính quan trọng chăm lo sức khỏe người dân
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế; áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu.
Đồng thời, ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bảo hiểm y tế, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ bảo hiểm y tế để tập trung mọi nguồn lực cho khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin, Quỹ bảo hiểm y tế từ chỗ lũy kế bội chi thì từ năm 2009 đến nay cơ bản đã cân đối và có kết dư dự phòng. Năm 2023 số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ quỹ bảo hiểm y tế là khoảng 123 nghìn tỷ đồng gấp 8 lần so với năm 2009.
“Trong 15 năm qua, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế đã thực sự trở thành nguồn tài chính rất quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân.
Cùng đó, mức chi trả bảo hiểm y tế và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ bảo hiểm y tế chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế đã thực sự mang ý nghĩa chia sẻ rất lớn, giữa người khỏe và người có bệnh, người đóng cao và người đóng thấp”, ông Nguyễn Thế Mạnh thông tin.
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Chủ đề của Ngày bảo hiểm y tế năm nay là "Sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở" rất có ý nghĩa và kịp thời, đặc biệt khi hệ thống Y tế của Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu về sức khỏe của người dân trong tương lai.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thiết kế chính sách và thanh toán bảo hiểm y tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định các dịch vụ được cung cấp ở mỗi cấp độ của hệ thống y tế và do đó là đòn bẩy quan trọng để định hướng toàn bộ hệ thống tới chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng”, bà Angela Pratt chia sẻ.
Bích Thủy