“Xên Mường” mỗi dịp xuân về
Người Thái Mường So xưa tổ chức “Xên Mường” (cúng ma mường) vào tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc, để cầu cho dân mường được mạnh khỏe, cho lúa ruộng tốt tươi, cho gia súc phát triển, cho bản mường yên vui. Chủ lễ (Chẩu xửa) là người đứng đầu mường, đầu bản, nhưng chủ trì các nghi thức, nghi lễ là ông mo chang của mường.
Người Thái Mường So xưa tổ chức “Xên Mường” (cúng ma mường) vào tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc, để cầu cho dân mường được mạnh khỏe, cho lúa ruộng tốt tươi, cho gia súc phát triển, cho bản mường yên vui. Chủ lễ (Chẩu xửa) là người đứng đầu mường, đầu bản, nhưng chủ trì các nghi thức, nghi lễ là ông mo chang của mường.
Một nghi lễ trong lễ hội của người Thái tại Lai Châu. Ảnh: Quốc Khánh. |
Lễ vật cúng tế
Đối tượng cúng lễ là Nàng Han - một nữ anh hùng huyền thoại của dân tộc Thái và các loại ma (phi) như ma trời, ma đất, ma sông, ma núi… Những nơi cúng tế là Rừng cấm (Đông căm) và Vũng mường (Minh mương). Lễ vật thì tùy theo tình hình kinh tế hàng năm, do những người đứng đầu bản, mường và hội đồng bô lão định đoạt sau đó phân bổ cho dân toàn mường, toàn bản đóng góp. Thường thì “Xên Mường” mổ 2 con trâu (1 trâu đen, 1 trâu trắng), 3 - 5 con lợn (chưa kể gà, cá), 1 - 5 vò rượu cần, 30 - 50 lít rượu cất và 200 - 500 kg gạo, 2 đôi vòng bạc, 20 sải vải trắng, 8 sải vải mặt chăn.
Múa sạp dân tộc Thái. Ảnh: Thanh Hà. |
Khi “Xên Mường”, “Xên Bản” người ta rước kiệu Nàng Han đến nơi hành lễ, lập đàn lễ (tẳng pán kái), xếp đặt lễ vật cúng tế. Trong số lễ vật bày lên đàn lễ, vật quan trọng và mang ý nghĩa tượng trưng là chiếc áo của chúa đất (chẩu xửa). Áo đó tượng trưng cho hồn của chúa đất - chủ lễ đại diện cho toàn mường.
Khi hành lễ, chúa đất thay mặt dân trong mường, trong bản mời các vị thần linh trên trời, dưới đất, ma quỷ thập phương, vong hồn tổ tiên… về hưởng lễ và phù hộ cho mường mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh, bản mường yên vui.
Những kiêng kỵ trong ngày kiêng mường
Tế lễ xong, các già làng và chức dịch ngả mâm ăn uống, rượu chè và vui múa hát tại chỗ. Rồi theo lệnh tạo, trai tráng nổi trống, chiêng và bắn súng kíp làm hiệu kiêng bản, kiêng mường, “ta leo” được đem đi cắm ở các con đường ra vào mường, bản. Toàn mường bắt đầu bước vào 3 ngày kiêng mường. Trong thời gian này, mọi người dân trong mường không được động đất (giã gạo, đào cuốc, xới đất), không được động rừng (chặt cây, bổ củi, săn bắt, hái rau), không động mường, động bản (kêu la, hò hét, chửi rủa, cãi vã, đánh lộn). Các gia đình gác lại mọi công việc, chỉ ăn uống, vui chơi, nhảy múa.
Các cô gái Thái trong ngày hội. Ảnh: Thanh Hà. |
Trong những ngày kiêng mường, khách ngoài mường không được vào mường. Nếu có việc cần vào phải có người thân quen ra đón và người khách không được gồng gánh, không được cưỡi ngựa vào mường.
Các trò chơi dân gian được tổ chức trong dịp này thường là đẩy gậy (tó tếch), kéo co (chặc bai), đánh cù (tó sáng), chọi gà (tó káy), chọi quả lẹ (tó máh lẹ), đi cà kheo (khí chọ chẹ), ném còn (kòn giuống), bắn nỏ (bén nả), đua ngựa (én mạ)… và các điệu múa như xòe vòng (xé khắm khen), xòe trống (xé kôống), xòe đôi (xé đôi)… Bên mâm rượu còn có hát đối đáp trai gái (khắp báo xao). Buổi chiều ngày cuối cùng “Xên Mường” mọi người kéo nhau xuống dòng Nậm So để té nước cầu may, ban phúc cho nhau.
Sau lễ “Xên Mường”, các bản lại tổ chức “Xên Bản” (cúng ma bản) và sau đó các gia đình lại tổ chức “Xên Hươn” (cúng ma nhà). Cách thức tổ chức diễn ra tương tự như lễ “Xên Mường” nhưng quy mô nhỏ, lễ vật ít hơn (không mổ trâu mà chỉ mổ 1 con lợn, 2 - 3 con gà). Thời gian kiêng bản, kiêng nhà chỉ có 1 ngày.
Ảnh: Thanh Hà |
“Xên Mường” chỉ còn trong ký ức
Lễ “Xên Mường” và cả “Xên Bản”, “Xên Hươn” là một trong những hội lễ quan trọng trong đời sống văn hóa của người Thái Trắng Mường So. Nó là dịp để người dân gửi gắm niềm tin vào một vụ mùa mới bội thu, người yên, vật thịnh và là dịp để các gia đình, các cá nhân xóa bỏ mọi hiềm khích trong năm cũ, cùng chung tay xây dựng bản mường trong năm mới. Nhờ đó, tính cộng đồng được củng cố, các điệu múa, trò chơi và niềm tin tín ngưỡng truyền thống được bảo lưu và trao truyền qua các thế hệ.
Tiếc rằng, lễ “Xên Mường”, “Xên Bản” của người Thái Trắng Mường So đã mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, chỉ còn một số gia đình duy trì lễ “Xên Hươn” nhưng chỉ có bày lễ khấn mời tổ tiên mà không có các trò chơi, trò diễn dân gian cổ truyền. Tuy nhiên, những ký ức về nó vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của những người già, thoảng lại hiện lên trong những câu chuyện kể bên bếp lửa, bên mâm rượu ngày Tết để lớp trẻ ngày nay hình dung về một hội lễ đầu Xuân của cha ông.
Theo langvietonline.vn