Những điểm sáng
Đưa chúng tôi tham quan một vòng quanh các dãy nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của mình, anh Nguyễn Xuân Trường, chủ doanh nghiệp Trường Hoàng đóng chân trên địa bàn xã Tu Tra cho biết, đã đầu tư vào trang trại trồng hoa này khoảng... 200 tỷ đồng - một con số đủ làm... choáng cho nhiều người.
Nhưng sẽ không ngạc nhiên khi được nghe anh giải thích: anh đến với nghề trồng hoa lan như một cái duyên, lúc đầu với quy mô nhỏ ở Đức Trọng, tích lũy vốn và đất đai rồi nâng dần quy mô như hiện nay. Vì tại Đức Trọng không đủ diện tích đất, anh sang đầu tư tại Tu Tra, Đơn Dương. Tại đây, doanh nghiệp này thuê 28ha đất của nhà nước, thuê và mua thêm của người dân chung quanh trên 36ha, tất cả được đầu tư trồng hoa. Nhà kính của doanh nghiệp hiện đại không kém gì trang trại hoa của Công ty Hasfarm: tất cả trang thiết bị được nhập ngoại với chất lượng tốt, có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống tưới tự động, hoa giống được nhập từ nước ngoài. Không chỉ trồng hoa lan, anh còn nhập củ giống hoa ly từ Hà Lan về để trồng cung cấp cho thị trường trong nước quanh năm. Trang trại hoa này từ khi đầu tư tại xã đến nay đã thu nhận trên 170 lao động vào làm việc thường xuyên. Anh Trường còn đóng góp 500 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn trong xã.
Rất nhiều doanh nghiệp trong tổng số 16 doanh nghiệp đang làm ăn ở Tu Tra hiện nay cũng đầu tư vào nông nghiệp, trồng rau, trồng hoa, chế biến nông sản... Đất đai Tu Tra màu mỡ thích hợp cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng Tu Tra lâu nay còn nổi tiếng tại Lâm Đồng về chăn nuôi bò sữa với các trang trại của các “đại gia” ngành sữa trong nước đóng chân trên địa bàn như Vinamilk, Dalat TH True Milk với tổng đàn bò và các nông trại trồng cỏ cho bò ăn rất lớn.
Chính sự xuất hiện của các trang trại lớn nuôi bò sữa trên địa bàn này đã thúc đẩy nghề nuôi bò sữa của người dân nơi đây. Theo UBND xã Tu Tra, chỉ trong vòng 5 năm gần đây, do giá sữa khá ổn định nên đàn bò sữa trong dân tăng rất nhanh, trên 3.250 con, tập trung ở các thôn Cầu Sắt, Lạc Trường, Lạc Thạnh, Suối Thông... Hiện xã có gần 300 hộ dân chăn nuôi bò sữa, trong đó có trên 20 hộ nuôi với số lượng trên 15 con theo qui mô trang trại nhỏ, còn lại hầu hết có từ 5 - 7 con. Tu Tra hiện có một hợp tác xã (HTX) bò sữa khá nổi tiếng về hiệu suất làm ăn tại Lâm Đồng, đó là HTX Cầu Sắt ở thôn Cầu Sắt. HTX này hiện có 65 xã viên tham gia, 778 con bò sữa, trong đó có 500 con đang cho vắt sữa thường xuyên, vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng.
Tu Tra còn có những hộ nuôi heo lớn, điển hình như hộ ông Lê Trường ở thôn Suối Thông C2 với tổng đàn trên 400 con; có những hộ dân như hộ ông Ya Uông ở thôn Kambuốt cũng là hình mẫu về trồng trọt kết hợp chăn nuôi trong cộng đồng người Chu ru. Ông Ya Uông đang nuôi 15 con bò vàng, ủ phân bò để bón cho 10ha cà phê có trồng xen cây mắc ca cùng 3ha lúa bắp; thu nhập hằng năm khoảng 500 triệu đồng.
Đặc biệt, trong xã hiện có một doanh nghiệp sản xuất gạch đóng góp cho sự phát triển cộng đồng rất lớn, được xã đánh giá rất cao. Đó là doanh nghiệp gạch Thắng Đạt. Ưu tiên sử dụng lao động người dân tộc thiểu số trong xã, doanh nghiệp sản xuất gạch tuy nen này đang giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 120 lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số với thu nhập 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ ba, phải qua) cùng đoàn cán bộ của tỉnh thăm doanh nghiệp Trường Hoàng tại xã Tu Tra |
Cho mục tiêu 70 triệu đồng/người/năm
Là một xã thuần nông trong vùng sâu Đơn Dương, Tu Tra hiện có trên 2.700 hộ dân, trên 12 nghìn nhân khẩu sinh sống ở 14 thôn, hơn 2/3 dân số trong đó là người K’Ho, Churu, Chil... Những năm trước, đây là một xã cực kỳ khó khăn của Đơn Dương nhưng hôm nay đây đã là một xã nông thôn mới vào hàng “giàu có”.
Không khó để nhận thấy một Tu Tra đầy khởi sắc với những cánh đồng rau thương phẩm trải dài, những trang trại hoa với nhà kính mọc lên thay thế cho cánh đồng lúa trước kia. Ven con đường nhựa chạy dọc theo xã là những vườn rau xanh tươi, nhà cửa khang trang mọc lên san sát.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phạm Trường Thanh, cây rau từ vùng Lạc Lâm lan đến đây như đã tạo một “phép màu” cho Tu Tra phát triển. Chính quyền các cấp ở xã theo ông Thanh đã tập trung tuyên truyền người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích sử dụng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tự động vào sản xuất… Trồng rau thương phẩm, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao đã tạo một bước chuyển ngoạn mục trong sản xuất trên địa bàn xã. Giá trị sản xuất được nâng cao, thu nhập trên cùng một diện tích tăng lên, đạt trung bình 170 triệu đồng/ha. Không chỉ ở các thôn người Kinh mà ngay trong vùng thuần đồng bào dân tộc thiểu số như các thôn R’Lơm, Ha Wai, Kambuốt… nay đã xuất hiện các vườn cà chua, bí, sú, khoai lang… do chính người dân trong thôn trực tiếp canh tác. Tổng diện tích trồng rau, hoa áp dụng kỹ thuật cao của xã hiện nay trên 780ha và con số này đang tăng nhanh.
Trong tháng 4/2015, người dân Tu Tra đã hoàn tất 19/19 tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, cộng đồng dân cư của xã đã đóng góp trên 14 tỷ đồng cùng hằng nghìn ngày công lao động để làm các công trình dân sinh như đường giao thông, nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng. Số hộ nghèo của xã đang giảm nhanh, hiện chỉ còn trên 3%, trong đó số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chỉ còn 3,72%; thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên theo từng năm; trong năm 2014 khoảng 25 triệu đồng/người/năm thì năm nay đã tăng lên khoảng 42 triệu đồng/người. Theo đà tăng trưởng hiện nay, theo UBND xã Tu Tra, hoàn toàn có thể đạt được mức thu nhập bình quân từ 65-70 triệu đồng/người/năm trong vòng 5 năm đến.
Trong chuyến làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến cùng đoàn cán bộ các sở, ban, ngành của tỉnh gần đây tại xã, tỉnh đã đồng ý xây lại cây cầu Tu Tra (cầu Ông Thiều) để rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm Tu Tra với huyện. Đồng thời, tỉnh cũng đồng ý tiến hành khảo sát xây dựng mới tuyến đường Bok K’Bang nối Tu Tra với Đức Trọng qua ngả Phú Hội để thúc đẩy vùng đất trù phú này phát triển nhanh hơn nữa.
Báo Lâm Đồng