Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của đất nước, nơi có gần 85% dân số là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay… Tại đây, bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo hết sức sôi động, đan xen và hòa đồng, phản ánh đời sống tâm linh phong phú và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Bên cạnh những tín ngưỡng bản địa, Lạng Sơn hiện có khoảng 1,4% dân số theo các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành. Dù đức tin và cách thức thực hành tín ngưỡng khác nhau nhưng các tôn giáo đều có điểm chung, đó là tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tương trợ nhau phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào...
Ông Lăng Văn Thiết, Trưởng Phòng Tín ngưỡng - Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Kể từ khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực vào ngày 01/01/2018, tỉnh luôn tổ chức gặp mặt và thăm hỏi các chức sắc, chức việc các tôn giáo; triển khai mở lớp tập huấn cho hàng nghìn cán bộ làm công tác tôn giáo từ cấp tỉnh đến cấp xã… Đến nay, 100% các cơ sở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn đều đăng ký hoạt động và thông báo nội dung hoạt động hàng năm với chính quyền”.
Nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Lạng Sơn luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo, y tế, văn hóa…; tổ chức các buổi lễ quan trọng như: Lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh... Đặc biệt, các tôn giáo dù khác nhau về nguồn gốc, phương châm hành đạo nhưng luôn quan tâm đến nhau, thường xuyên tham gia, chúc mừng nhau vào mỗi dịp lễ quan trọng. Với sự đồng lòng của các cấp, các ngành chức năng cùng cộng đồng các dân tộc, Xứ Lạng đang có một đời sống tinh thần lành mạnh, văn minh và đoàn kết.
Cùng nhau xây dựng quê hương
Không chỉ chăm lo, tạo điều kiện để đồng bào được tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Lạng Sơn còn thường xuyên vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… Tiếp chúng tôi tại cơ ngơi khang trang ở đường Tổ Sơn, khối Văn Miếu, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn), ông Nguyễn Kiên Cường chia sẻ: “Tôi theo đạo Công giáo và suốt thời gian qua luôn được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế”. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, doanh nghiệp của ông Cường còn giúp 20 người có việc làm ổn định với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.
Dẫn đầu phong trào làm đường giao thông liên thôn tại xã Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn), đồng bào dân tộc ở thôn Bình An (100% là đồng bào dân tộc Dao theo đạo Tin lành) luôn đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, đồng bào nơi đây đã tự nguyện đóng góp mua máy trộn bê tông để làm đường và đến nay đã bê tông hóa được 80% đường liên thôn. Ông Hoàng Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chiến Thắng cho biết: “Chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để đồng bào được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đời sống của đồng bào trong thôn Bình An hiện rất khấm khá. Mỗi hộ có ít nhất từ 3 - 5 con trâu và làm thêm nhiều nghề phụ như xây dựng, phát triển kinh tế vườn rừng...”.
Thực hiện phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn và đông đảo đồng bào dân tộc theo đạo luôn tích cực làm việc thiện. Bên cạnh việc vận động quyên góp, giúp đỡ gia đình khó khăn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn còn kêu gọi các “mạnh thường quân” tặng nhà đại đoàn kết, chung tay xây cầu dân sinh tại những xã khó khăn thuộc địa bàn các huyện Chi Lăng, Đình Lập, Tràng Định…
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Xứ Lạng đang hướng đến mục tiêu đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, cùng nhau hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội để xây dựng cộng đồng nhân ái, hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Anh Đào – Hoàng Hà