Bản Huổi Luồng gồm 72 hộ, với trên 300 nhân khẩu, đa số là dân tộc Khơ Mú. Theo những người cao niên tại bản, thời gian trước đây, tập quán canh tác của người dân ở đây rất lạc hậu: Chỉ gieo những giống lúa của địa phương; gieo xong là phó mặc cho thiên nhiên, không dành thời gian chăm bón. Chính vì vậy, năng suất rất thấp, giá trị kinh tế không cao, đời sống đồng bào vì thế rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong bản chiếm gần 40%; số hộ gia đình có tivi, xe máy chỉ tính trên đầu ngón tay, bình quân thu nhập 7 triệu đồng/người/năm.
Bà con dân tộc Khơ Mú ở Huổi Luồng đã có kinh nghiệm trong chăm sóc chè. |
Năm 2012, Đảng ủy, UBND thị trấn Tân Uyên có chủ trương quy hoạch vùng đất ruộng của bản để sản xuất lúa Séng Cù, lúa Hương Thơm và quy hoạch phát triển vùng chè nguyên liệu. Nhận được kế hoạch ấy, trưởng bản Lò Văn Xương, cũng như nhiều người dân trong bản, cảm thấy rất lo lắng vì bà con đã quen với phương thức canh tác từ lâu đời, giờ đây làm lúa chất lượng cao và trồng chè e rằng sẽ khó thành công. Rất nhiều người không thuận, không đồng ý làm. Nhận thấy chỉ có một cách thay đổi cuộc sống cho bà con đó là phải thay đổi tập quán canh tác, trưởng bản Xương đã kiên trì tuyên truyền vận động từng hộ dân. Thời gian đầu, chỉ có một vài hộ tham gia; về sau, thấy có tiến triển khá, cùng với tăng cường tuyên truyền, nên số hộ dân đồng tình ủng hộ làm theo ngày càng cao hơn.
Trưởng bản Lò Văn Xương (tráI) đang trao đổi về kinh nghiệm vận động đồng bào tham gia chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập |
Sau 3 năm thực hiện, bản Huổi Luồng hiện nay đã có trên 10 ha đất gieo cấy lúa Séng Cù và các giống lúa chất lượng cao. Riêng gia đình ông Xương thực hiện gieo cấy với gần 1 ha. Thực hiện đề án phát triển vùng chè nguyên liệu của huyện Tân Uyên, ông Xương cũng đã vận động nhân dân khai phá đất trồng chè với diện tích 33 ha. Hiện, tại bà con trong bản đã chuẩn bị xong 5 ha đất để trồng chè theo kế hoạch năm 2015. Trong thời gian ngắn, bà con dân tộc Khơ Mú ở Huổi Luồng đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thu hái chè và sản xuất lúa chất lượng cao. Trưởng bản Lò Văn Xương tính toán: “Đối với cây chè, số diện tích năm 2012 đã có thu hoạch, giá bán mỗi kg chè búp tươi là 10.000 đồng; trong bản đã có một số hộ gia đình thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/năm từ chè. Từ nguồn thu ấy, nhiều hộ đã có điều kiện mua xe máy, tivi, máy cày bừa, máy tuốt lúa. Đặc biệt đã có gần 10 hộ gia đình xây được nhà mới. Đời sống của bà con sung túc hơn rất nhiều. Năm 2014, số hộ nghèo và cận nghèo trong bản chỉ còn 14%”.
Ngoài việc phát triển kinh tế, ông Xương đã chủ động phối hợp với bản “láng giềng” Chạm Cả vận động người dân hiến đất và tài sản trên đất để mở 1,5 km đường sản xuất trên vùng chè; vận động người dân đóng góp ngày công để làm hơn 800 m đường bê tông từ quốc lộ 32 đi qua bản, qua ruộng lên vùng chè, qua đó việc đi lại sản xuất của bà con thuận tiện hơn rất nhiều, người dân có thể đi xe máy tới tận đầu lô chè để thu hái dễ dàng.