Nông dân gom, phân loại sả để bán cho thương lái. Ảnh: Nam Thái - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông, hiện toàn huyện có trên 1.500 ha trồng sả với sản lượng 22.000 tấn/ năm, được tập trung chủ yếu tại các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân... Cây sả là giống cây dễ trồng, ít sâu bệnh. Vào mùa khô, nếu thiếu nước tưới thì dùng nước có độ mặn thấp thì cây sả vẫn thích ứng được. Đây là ưu điểm lớn được nhân dân ưu tiên lựa chọn làm cây trồng chủ lực phát triển kinh tế tại vùng đất nhiễm mặn. Trong những năm qua, nhiều hộ dân nhờ trồng sả mà đã có cuộc sống ngày càng phát triển hơn, điều kiện kinh tế ổn định, chính vì vậy diện tích trồng sả ngày càng được tăng lên. Hiện nay, cây sả đã xuất hiện khắp nơi trên địa bàn huyện, không chỉ trồng chuyên canh, cây sả còn được được trồng xen canh ở bất cứ nơi nào có đất trống.
Nông dân gom, phân loại sả để bán cho thương lái. Ảnh: Nam Thái - TTXVN |
Ông Lê Văn Tốt, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, những năm trước gia đình trồng lúa, tuy nhiên với điều kiện khắc nghiệt nên năng suất không cao, từ khi trồng sả, hiệu quả kinh tế tăng gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa, nên điều kiện kinh tế gia đình phát triển bền vững hơn. Với năng suất khoảng 15 tấn/ha, mỗi ha sả thu hoạch đúng thời điểm thu từ 70-90 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 50%. Đây là nguồn thu đáng kể đối với nông dân trong tình hình mùa khô hạn và xâm nhập mặn tại huyện cù lao Tân Phú Đông đang bước vào thời kỳ cao điểm. Cây sả không chỉ mang lại lợi nhuận cho người trồng mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương nhờ việc thu hoạch sả. Cây sả được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông.
Nam Thái