Giống nghệ vàng của Bắc Kạn rất phù hợp với khí hậu, đất đai có thể cho năng suất hơn 4 tấn/ha. Ảnh: baobackan.org.vn |
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, thôn Bản Pè, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông trồng hơn 1.000 m2 cây nghệ. Năm nay, diện tích này đã cho năng suất hơn 2 tấn nghệ, với giá bán khoảng 7.000-9.000 đồng/kg gia đình chị cũng thu về hơn 15 triệu đồng.
Chị Lan cho biết, trước đây diện tích đất của gia đình chỉ trồng ngô, đỗ, lúa nhưng năng suất thấp và hiệu quả không cao. Sau khi tham dự lớp tập huấn trồng cây nghệ về gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng nghệ. Năm nay, gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng nghệ tiếp.
Cũng như gia đình chị Lan, gia đình chị Hà Thị Chanh, thôn Bản Mèn, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông cũng trồng hơn 2.000 m2 cây nghệ. Chị Chanh cho hay, so với những loại cây trồng khác, cây nghệ dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Trong xã có 5 thôn cùng thực hiện trồng nghệ với hơn 3 ha.
Theo chị Hà Thị Chanh cho biết, các gia đình tham dự lớp tập huấn trồng nghệ được hướng dẫn trồng theo kỹ thuật, làm luống, luống cách luống bao nhiêu, hàng cách hàng bao nhiêu, lót phân thế nào. Sau đó, làm cỏ bón phân và chờ thu hoạch. Nếu trồng vào đất thịt ở ruộng thì không phát triển tốt, trồng ở soi bãi, đất phù sa mới tốt. Chị Chanh cho biết thêm, các gia đình tham gia trồng nghệ còn được hỗ trợ giống và phân bón, được ký kết bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm.
Nhiều hộ gia đình tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn còn tận dụng tán rừng, hoặc trồng nghệ xen canh với cây mận mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm nay, huyện Pác Nặm duy trì trồng 50 ha nghệ và phía Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn đã có cam kết về giá và bao tiêu sản phẩm với người dân.
Ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, qua thực tế cho thấy, cây nghệ là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng của huyện vùng cao Pác Nặm. Giống nghệ được người dân Pác Nặm trồng chủ yếu vẫn là giống nghệ răm. Đây là loại nghệ địa phương củ nhỏ, màu vàng đậm, thơm, chất lượng tốt, tuy năng suất thấp hơn so với nghệ lai nhưng lại cho tinh bột nghệ cao, giá cao hơn và được thương lái ưa chuộng mua về để làm tinh bột nghệ. Tuy nhiên, cũng cần có sự quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất, bao tiêu sản phẩm để tránh tình trạng phát triển ồ ạt và được mùa mất giá hay bị tư thương ép giá.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, việc triển khai trồng nghệ ở Bắc Kạn rất thuận lợi, phù hợp với thổ nhưỡng. Nhiều người dân cũng đang tích cực hưởng ứng vì đây là loại cây quen thuộc và quan trọng nhất là được doanh nghiệp đầu tư, cam kết bao tiêu sản phẩm. Cây nghệ được đánh giá là dễ trồng, không kén đất, suất đầu tư thấp, năng suất bình quân đạt từ 20 tấn/1ha trở lên. Nếu giá thấp nhất là 5.000 đồng 1kg, hiệu quả kinh tế đã đạt 100 triệu đồng/1ha, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi trên 70 triệu đồng, đây là con số lớn đối với người nông dân Bắc Kạn.
Từ tháng 9/2016, thông qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn đã ký cam kết hỗ trợ đầu tư cho nông dân các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì và Chợ Mới trồng trên 80 ha nghệ.
Theo đó, Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn có trách nhiệm hỗ trợ về giống, phân bón, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ; hỗ trợ kinh phí tham gia công tác tuyên truyền đến người dân. Có trách nhiệm về vận chuyển và thu mua tại trung tâm các xã có vùng nguyên liệu.
Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ củ nghệ tại các điểm thuận lợi cho vận chuyển ô tô với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, còn thực tế khi thu mua theo giá thị trường. Cùng với đó, công ty đã xây dựng nhà xưởng tại thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông để sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ.
Ông Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn chia sẻ, ngay từ đầu chúng tôi đã liên kết với Hội Nông dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đưa quy trình trồng đến với bà con, mới đầu áp ụng bà con rất băn khoăn vì làm hữu cơ khó nhưng khi áp dụng vào làm bà con thấy không khó, quan trọng là tuân thủ theo quy trình chặt chẽ thì sẽ đơn giản.
Với lợi thế khí hậu thuận lợi nên năng suất, sản lượng, chất lượng tốt, có thể thấy cây nghệ khá phù hợp với nhiều diện tích đất sản xuất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Bởi vậy, chính quyền địa phương và người dân mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nghệ, chia sẻ lợi ích với người dân.
Nếu tỉnh Bắc Kạn có thể xây dựng được thương hiệu làng nghề trồng cây nghệ, có chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm thì sản phẩm sẽ bán được cho các cơ sở chế biến, cơ sở y dược với giá cao hơn. Hy vọng, sự liên kết của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ mang lại cơ hội phát triển cây nghệ trên đất Bắc Kạn, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đức Hiếu – Ngọc Tú