Tỉnh Bình Phước đang đặt ra nhiều mục tiêu để định hình lại ngành nông nghiệp của địa phương, hướng đến xây dựng nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Cụ thể, Bình Phước sẽ chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường, đa giá trị; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của nông nghiệp và khẳng định vị thế quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có khoảng 259 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, là cửa ngõ và là cầu nối vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia. Bình Phước có tài nguyên phong phú, quỹ đất dồi dào, thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái đặc sản; hệ thống cơ sở hạ tầng dạng được cải thiện mạnh mẽ; các cây trồng, vật nuôi chủ lực được sản xuất tập trung đã và đang là thế mạnh thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Tỉnh Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của Việt Nam khi chiếm tới hơn 50% diện tích và 50% sản lượng điều của cả nước. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, trên địa bàn Bình Phước hiện có hơn 152.000 ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm. Do điều kiện tự nhiên phù hợp, đồng thời người dân đưa vào canh tác các giống điều cao sản, thích hợp với tiểu vùng sinh thái, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh, chăm sóc giúp cây điều của Bình Phước đạt năng suất cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết, ngành chế biến điều hiện cũng trở thành ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn có 1.416 cơ sở chế biến điều, lớn nhất cả nước. Mỗi năm ngành công nghiệp chế biến điều của Bình Phước đóng góp từ 27-45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.
“Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc..., chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80.000 lao động tại các cơ sở chế biến hạt điều và lao động thu hái tại vườn”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết.
Đối với cây cao su, Bình Phước có 244.700 ha, sản lượng đạt 209.000 tấn (diện tích cây cao su cả nước năm 2022 là 929.000 ha, sản lượng 1,29 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 10 tỷ USD).
Từ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Bình Phước xác định phát triển nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm là tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi; 3 ngành trọng điểm đó là chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu đó là chăn nuôi (lợn, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ; 3 giải pháp hỗ trợ tổng thể gồm: quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao và mục tiêu xây dựng Bình Phước thành tỉnh phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Theo Quyết định phê duyệt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Bình Phước ban hành vào ngày 25/8/2023, tỉnh xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh nông nghiệp, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của địa phương; gắn với hiệu quả kinh tế, đa dạng hệ sinh thái nông nghiệp, môi trường bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh nông sản; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường bền vững, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn, xanh, thân thiện, thích ứng với môi trường; xây dựng nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.
Bình Phước đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trung bình 3%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt hoặc tương đương đạt trên 10% đối với sản phẩm trồng trọt và 90% đối với sản phẩm chăn nuôi; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm.
Cụ thể, đối với cây điều, tỉnh Bình Phước sẽ chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác và tập trung phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2025 diện tích trồng điều đạt 145.000 ha, năng suất 1,57 tấn/ha. Đến năm 2030, diện tích giảm xuống 138.000 ha, năng suất 1,88 tấn/ha. Bình Phước cũng giữ ổn định vùng sản xuất điều, tiếp tục đầu tư cho 4 vùng trồng chính gồm huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng và Đồng Phú. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, phát triển nhanh liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Đối với cây cao su, đến năm 2025 đạt diện tích trồng 225.000 ha; trong đó, diện tích thu hoạch 185.000 ha, năng suất 1,9 tấn/ha; năm 2030 giảm xuống còn 200.000 ha, năng xuất 2,2 tấn/ha; sử dụng các giống có năng suất mủ cao, đa mục đích, phát triển theo hướng mủ - gỗ theo định hướng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Một số cây trồng chủ lực khác như hồ tiêu, cà phể, Bình Phước sẽ giảm diện tích và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi, mít, xoài… Tỉnh cũng phấn đấu nâng tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 25% vào năm 2025 và 30% năm 2030 trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao, liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp trên 90% tổng đàn đối với gia cầm, trên 96% đổi với lợn.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, năm 2022 ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đạt 34.600 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023 giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 16.400 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 226 hợp tác xã, 86 tổ hợp tác đăng ký hoạt động và có 495 trang trại hoạt động về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, tỉnh có 96 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao và đã có 3 sản phẩm OCOP 5 sao.
Sỹ Tuyên