Triệu phú xứ hoa

Triệu phú xứ hoa
Phá cà phê để trồng hoa hồng
 
Nằm cách thành phố hơn 20 phút chạy xe máy, thôn Măng Lin (thuộc phường 7, Đà Lạt, Lâm Đồng) là nơi sinh sống của đồng bào K’ho Lạch, bao đời nay gắn với nghề trồng cà phê. Anh K’Long K’char trở thành người duy nhất trong thôn bỏ bớt cà phê để đầu tư trồng hoa hồng và rau quả tươi. 

Câu chuyện làm giàu của triệu phú duy nhất thôn Măng Lin này bắt đầu bằng số vốn không lớn. Vườn hoa 2ha của vợ chồng anh K’Long K’char nằm gọn ghẽ trong thung lũng. Những bông hoa hồng tươi rói, mơn mởn đang chờ người cắt. Dáng vẻ gầy gò lam lũ, gương mặt ngăm đen, K'Long K'Cha luôn tay ngoài vườn với chiếc kéo. 

Mời tôi một tách trà Atiso nóng hổi, anh bắt đầu câu chuyện “nhân duyên” với hoa hồng:
- Năm 2000, vay khoảng chục triệu của Ngân hàng Chính sách. Làm cà phê thì lúc đắt, lúc thì rẻ nên đổi cái này. Làm không khó lắm, học hỏi bạn bè, người ta cũng chỉ. Năm nay lãi ví dụ một, hai trăm triệu, cứ cóp dần cóp dần. Một năm dư được 1 trăm triệu, giỏi lắm dư được 200.
 
Thời gian đầu, hầu như anh K’Long K’Char không được hỗ trợ kĩ thuật, giống hay phân bón, tất cả đều do anh mày mò học từ người bạn trồng hoa ở Vạn Thành, rồi nhờ con cái tìm thông tin trên mạng internet, từ chuyện mùa nào hoa dễ bị sâu bệnh, đến chuyện mùa nào hoa đạt ngưỡng đẹp nhất để cắt…
 
Vợ anh, chị Cil GLệ, cũng vì vườn hoa mà gương mặt xạm đen vì nắng, tóc bạc nhiều hơn. Chăm bón, nâng niu từng mầm cây, đến kỳ hoa bung nụ, vợ chồng phải dậy từ tờ mờ sáng để cắt hoa, gom hoa về trại, đóng gói cẩn thận, rồi chở hoa ra bến xe để chuyển về thành phố Hồ Chí Minh. Lễ, tết thì có thêm các mối vãng lai. 
 
Anh K'Long K'Char cùng người con rể trong vườn hoa hồng. Ảnh: D.H
Anh K'Long K'Char cùng người con rể trong vườn hoa hồng. Ảnh: D.H

Chị Cil GLệ nói rằng tính toán thấy trồng hoa thu nhập khá hơn cà phê nên vợ chồng quyết tâm chuyển nghề:

- Cà phê thì may rủi, như năm nay có giá nhưng không có trái! Khi mà có trái thì 6 ngàn đồng một kí như năm ngoái thì làm sao đủ ăn! Cái nào chất lượng hơn, có ăn hơn thì mình làm theo cái đó thôi. Lúc lãi, lúc lỗ, nhưng đến cuối năm tính toán, không ngờ là số tiền mang về cho gia đình nhiều gấp 3 – 4 lần so với trồng cà phê. 

Cuối năm ngoài, gia đình anh K’Long K’Char được bầu chọn là hộ nông dân dân tộc thiểu số tiêu biểu, được báo cáo thành tích làm giàu với đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng. Hơn 2ha đất bao gồm cả hoa hồng, rau và cà phê, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng.
 
“Bén duyên” với hoa hồng, vợ chồng anh xác định: 6 tháng lỗ, 6 tháng lời! Bài toán kinh doanh trên thương trường cũng bắt đầu trở nên quyết liệt hơn. Mùa làm hoa hồng chia ra thành hai mùa trong một năm: mùa lãi bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau, còn mùa lỗ thì từ tháng 3 đến hết tháng 9. Vì có hai mùa làm ăn nên giá hoa rất thất thường. Được mùa thì 2.000– 3000đ/bông, mất mùa thì chỉ hơn 1.000đ/bông. Ya Linh, con rể của anh K’Long Kchar, với gần 4 năm phụ giúp công việc trồng hoa cho gia đình, bảo cái khó vẫn là sự bấp bênh của giá hoa.
 
Cần cù, quyết tâm làm giàu từ sức lao động, với số vốn ban đầu chỉ 10 triệu đồng, vườn hoa hồng đã giúp vợ chồng anh nuôi ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn, và hiện tại giắt được chút vốn liếng để tính chuyện làm ăn lớn hơn.
 
Sẽ chỉ trồng hoa?
 
Bài toán lỗ lãi từ hoa hồng được anh K’Long K’char tính toán kĩ lưỡng. Mùa này hoa được giá thì lấy nguồn của hoa  đắp cho nguồn của rau, rồi đến khi hoa tụt giá thì tích cực bán rau để lấy tiền bù vào cho hoa. Vì mê hoa nên dự định của anh K’Long K’Char không chỉ dừng ở vườn hoa hồng.

Hoa hồng đã giúp gia đình anh K’Long K’char làm giàu. Ảnh:dantri.com
Hoa hồng đã giúp gia đình anh K’Long K’char làm giàu. Ảnh:dantri.com


Nếu như chỉ xác định “bình chân như vại”, hàng ngày cắt hoa để đủ ăn, có lẽ câu chuyện của người K’Ho ở thôn Măng Lin này không có dư vị. Ở xứ hoa Đà Lạt, hoa hồng là loại dễ trồng và cũng dễ tiêu thụ nhất, nhưng so với những loại hoa khác như hoa ly, cẩm chướng, salem… thì hồng chỉ là loại hoa bình dân. Điều này khiến anh K’Long K’Char không thôi ấp ủ dự định trồng thêm các loại hoa cao cấp này để thử sức và thỏa niềm đam mê. Hiện tại, gia đình anh vẫn còn gần 1ha cà phê chưa đụng “cuốc xẻng” đến, mặc dù ai cũng thắc mắc là trồng hoa hồng “trúng” thế, sao vợ chồng anh không bỏ hẳn cả cà phê đi mà trồng thêm các loại hoa cao cấp khác. 

Đâu phải anh không tính đến. Nhưng quả thật cái khó bó cái khôn:
- Loại hoa ba tay 9.500 – 10.000đ một củ rồi. Một sào 50 ngàn củ, là 500 triệu! Ngày lễ thì 2 chục ngàn loại 3 tay, loại 5 tay còn đắt nữa. Nếu đầu tư như vậy thì phải ra lãi nhiều hơn chứ! Nếu có vốn thì chặt cà phê đi, có vốn thì một là rau hai là hoa thôi!

Theo anh K’Long K’Char, nếu làm hoa cao cấp dễ dàng như hoa hồng thì anh đã làm từ lâu. Điều mà vợ chồng anh kẹt nhất bây giờ là không biết vay tiền kiểu gì để tiếp tục làm ăn. Khó khăn lớn nhất của vợ chồng anh bây giờ, mà ngay cả bản thân anh cũng không hiểu, là việc tiếp cận vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Theo anh, ngân hàng không cho hộ dân ở đây vay nhiều đến tiền trăm triệu, cùng lắm chỉ đôi ba chục triệu là cao. Đây cũng là băn khoăn của anh Ya Linh khi bản thân anh muốn giúp bố mẹ mở rộng sản xuất nhưng không thể vay được vốn:
 
-  Khó khăn đầu tiên phải kể tới là vốn. Muốn mở rộng sản xuất như người ta, người ta bỏ công bằng mình nhưng thu nhập thì cao hơn vì người ta có vốn. Thay vì làm hai sào như nhà thì người ta làm một hecta. Quỹ đất của mình còn nhiều mà không làm được.
 
Kẹt vốn, không có cách nào khác, vợ chồng đành giậm chân tại chỗ. Chị Cil GLệ đau đáu nguyện vọng:

- Mong muốn Nhà nước hỗ trợ vốn lãi suất rẻ để tiếp tục mô hình bông hoa kinh tế hơn. Vay mà cho có 5 – 6 triệu làm sao đủ làm, một sào hoa đã trăm triệu. Mong muốn là Nhà nước cho mình vốn 50 - 100 triệu, lãi suất rẻ để tiếp tục sản xuất.

Hiện tại, hai vợ chồng K’Long K’Char cứ dư được bao nhiêu là lại đầu tư vào vườn hoa hồng, bởi trong ba loại rau, hoa và cà phê thì lãi nhiều nhất vẫn là hoa. 

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm