“Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”, đây là chủ đề của Triển lãm trực tuyến do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) thực hiện, ra mắt ngày 1/9, tại địa chỉ: http://ltqg3.luutru.gov.vn/quockyquocca/index.html.
Sự kiện là một trong những hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2/9, 60 năm thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (4/9/1962 - 4/9/2022), tiếp tục tôn vinh những giá trị, ý nghĩa lịch sử văn hóa của các biểu tượng thiêng liêng của dân tộc.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc. Sự kiện này đánh dấu thành quả quá trình đấu tranh hơn 80 năm của nhân dân Việt Nam, đồng thời đánh dấu sự mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam có nhiều biểu tượng khác nhau. Gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy luôn giữ vững vị trí quan trọng trong từng sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao; là những biểu tượng thiêng liêng, tự hào của dân tộc và của mỗi người dân Việt Nam.
Triển lãm tái hiện về sự ra đời và những giá trị ý nghĩa của các biểu tượng dân tộc với gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, cùng một số tài liệu do gia đình họa sỹ Bùi Trang Chước, gia đình nhạc sĩ Văn Cao, nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, cá nhân cung cấp. Triển lãm gồm 4 phần, phần I có chủ đề “Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng: Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam”. Phần II với chủ đề “Quốc ca: Giai điệu thiêng liêng, tự hào”. Phần III với chủ đề “Quốc huy: Biểu tượng nhà nước Việt Nam”. Phần IV là “Tự hào Việt Nam”.
Nhân dịp này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã ra mắt ấn phẩm“Danh họa Bùi Trang Chước và những tuyệt phẩm đi cùng năm tháng”, nhằm tôn vinh tài năng của họa sỹ Bùi Trang Chước cũng như tri ân gia đình họa sỹ đã tin tưởng gửi gắm khối tài liệu vô cùng quý giá vào Trung tâm.
Ấn phẩm giới thiệu những cụm nội dung, chủ đề và những tuyệt phẩm không chỉ ghi đậm dấu ấn của người danh họa tài ba, của ngành Mỹ thuật Việt Nam, mà còn đã và đang đi cùng năm tháng để tô điểm thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Đó là câu chuyện xung quanh việc sáng tạo những phác thảo mẫu Quốc huy của họa sỹ Bùi Trang Chước và việc sử dụng Quốc huy Việt Nam từ khi được phê duyệt công bố cho đến ngày nay. Năm 2021, Tập phác thảo mẫu Quốc huy của Họa sỹ Bùi Trang Chước đã được Chính phủ quyết định là Bảo vật quốc gia Việt Nam.
Là những phác thảo mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu - những tác phẩm nghệ thuật nhưng vẫn giàu tính ứng dụng, chính trị, mang tính nhân văn sâu sắc, mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần như mẫu Huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập, Lao động; Huy hiệu: Tổng Công đoàn Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, du kích, thanh niên tích cực Thủ đô, Bắc Hưng Hải; Giấy mừng công; Bảng vàng danh dự…
Bên cạnh đó, ấn phẩm còn giới thiệu về những phác thảo mẫu tem bưu chính, mẫu phiếu và mẫu giấy bạc (tiền) Việt Nam. Là người Việt Nam chính thức được chọn vẽ tem Đông Dương (INDOCHINE) từ đầu năm 1940 của thế kỷ trước, họa sỹ Bùi Trang Chước đã để lại hàng trăm mẫu phác thảo tem bưu chính với những nội dung gắn liền với nhiều sự kiện lớn của dân tộc: Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, chào đón Chính phủ về Thủ đô; những nhân vật lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, Anh hùng Cù Chính Lan, Mạc Thị Bưởi, Trần Đăng Ninh; cũng như vẻ đẹp của các di tích, danh lam thắng cảnh, thiên nhiên, cuộc sống bình dị của người dân Việt Nam… Cùng với đó là những mẫu phiếu gạo, mẫu giấy bạc của Việt Nam.
Hơn nữa, ấn phẩm còn giới thiệu mẫu phác thảo các tác phẩm ký họa, đồ họa ứng dụng trang trí và quà tặng: Trang trí khánh tiết Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về lại Thủ đô Hà Nội; Phác thảo mẫu trướng làm quà tặng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phác thảo tranh cổ động về chủ đề: “Kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 phát triển và bổ túc văn hóa cho công nhân viên chức”…
Họa sỹ Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước, sinh ngày 21/5/1915, tại làng cách mạng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là quận Tây Hồ), Hà Nội. Sinh ra nơi vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cùng với năng khiếu, tố chất và niềm đam mê hội họa và được đào tạo bài bản ở ngôi trường tên tuổi - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn sáng tạo và in đậm trong từng nét vẽ của danh họa Bùi Trang Chước.
Ông là một trong những họa sỹ tài năng của nền hội họa Việt Nam. Cả cuộc đời họa sỹ là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, là một biểu tượng về người nghệ sĩ dâng hiến hết mình cho các sáng tác nghệ thuật với những tác phẩm phản ánh và gắn liền với lịch sử, quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong thế kỷ XX. Ghi nhận tài năng và công lao của ông, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Ông còn được các nước, các tổ chức quốc tế vinh danh, tên ông đã được đặt thành tên phố, tên đường ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng.
Chu Thanh Vân