Triển lãm những phác thảo của bậc thầy sơn mài Việt Nam

Triển lãm những phác thảo của bậc thầy sơn mài Việt Nam
Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-2018) nhằm tri ân những đóng góp của danh họa đối với sự phát triển mỹ thuật nước nhà. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa được tổ chức nhân kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (24/6/1966-24/6/2018), đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm được trưng bày nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, là những tư liệu quan trọng trong quá trình sáng tác của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, thể hiện nhãn quan của tác giả khi ghi chép, chọn lọc vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Các phác thảo được trưng bày góp phần khẳng định tài năng, kỹ thuật điêu luyện, dạt dào cảm xúc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí...

Tại lễ khai mạc Triển lãm ngày 26/6, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh: Tên tuổi, sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Nguyễn Gia Trí luôn gắn liền với sự phát triển của nghệ thuật tạo hình hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Với sự say mê tìm tòi, sáng tạo trong chất liệu, họa sĩ đã tạo nên những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Hầu hết công chúng tham dự triển lãm nhận thấy, những bức phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có những bức rất giản đơn nhưng cũng có phác thảo được thể hiện tỉ mỉ, cẩn trọng. Dù là phác thảo ở dạng nào cũng thể hiện tài năng, kỹ thuật điêu luyện, sự lao động sáng tạo miệt mài, cần mẫn, dạt dào cảm xúc, đầy bí ẩn của hình và sắc qua bàn tay, khối óc của người họa sĩ tài năng Nguyễn Gia Trí.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định: Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ tiên phong và gắn bó với nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam. Ông đã dành cả cuộc đời cho sáng tạo nghệ thuật, tìm tòi, phát triển nghệ thuật sơn mài, khẳng định tên tuổi bậc thầy của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, nghệ sĩ hàng đầu của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Tranh của họa sĩ có bút pháp bay bướm, màu sắc táo bạo, dung hòa hai dòng văn hóa Đông – Tây cùng kĩ thuật điêu luyện. Nguyễn Gia Trí là một họa sĩ suốt đời sống với đam mê sáng tạo nghệ thuật...

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908, tại Hà Tây cũ (Hà Nội ngày nay). Ông từng học Khoa Hội họa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Khóa IV (1928 - 1933) cùng với Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Cát Tường, Lưu Đình Khải... Vì lý do riêng ông nghỉ học giữa chừng, rồi lại tiếp tục theo học Khóa VII (1931 - 1936) cùng với các Họa sĩ Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thuỵ Nhân, Vũ Đức Nhuận, Nguyễn Trung Bang...

Ngay từ thời sinh viên, Nguyễn Gia Trí đã say mê chất liệu sơn ta truyền thống; ông là người có công lớn trong việc cải tiến, hoàn thiện chất liệu sơn mài trong hội họa. Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn mài nổi tiếng như: “Bên đầm sen”, “Vườn xuân và thiếu nữ”, Bình phong tám tấm, hai mặt tranh “Trong vườn” và “Dọc mùng” …

Nguyễn Gia Trí là họa sĩ hàng đầu vẽ tranh sơn mài Việt Nam và cũng là họa sĩ vẽ minh họa và biếm họa nổi tiếng. Cả cuộc đời ông luôn là một tấm gương sáng về tài năng, đạo đức nghề nghiệp cho các thế hệ nghệ sĩ sau này. Ông được ghi nhận là một trong 10 họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại; được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho 5 tác phẩm sơn mài: “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung”, “Bên đầm sen”, “Trong vườn” và “Cảnh nông thôn”.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí mất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/6/1993./.
Mỹ Bình 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm