Tác phẩm "Trên bãi tập" được trưng bày tại triển lãm lần này. |
Triển lãm diễn ra từ ngày 20 – 30/7 tại Phòng trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sẽ góp phần mang đến cho người xem sự cảm nhận sâu sắc về những năm tháng lịch sử hào hùng đã qua của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Từ đó, người xem thêm trân trọng, biết ơn những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay.
Triển lãm giới thiệu 48 tác phẩm mỹ thuật, được lựa chọn trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng. Các tác phẩm đều thể hiện những góc nhìn chân thật của các họa sĩ về chiến tranh, ký ức hào hùng của dân tộc, sự hy sinh, mất mát... Bằng bút pháp hiện thực, phóng khoáng với cái nhìn bao quát và sự linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ tạo hình, các họa sĩ đã khắc họa cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta; tái hiện những khoảnh khắc chân thực về cuộc chiến tranh ác liệt nhưng vẫn chan chứa niềm tin, hy vọng về ngày mai chiến thắng. Bên cạnh đó, những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cũng thể hiện những khoảng lặng sau cuộc chiến, tình cảm chân thành, tình quân - dân gắn kết; sự âm thầm chịu đựng, hy sinh của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương. Họ là những người thầm lặng hy sinh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong số hơn 1.700 đã và đang là hội viên của Hội, có hơn 400 người đã tham gia quân đội, hơn 100 họa sĩ đã đi chiến trường B, hàng trăm họa sĩ đã đến với tuyến lửa Vĩnh Linh và Trường Sơn, gần 500 họa sĩ và nhà điêu khắc, nhà phê bình mỹ thuật là Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là chưa kể tới số họa sĩ sống, chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
Năm 1943, đồng chí Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương Văn hóa Việt Nam, chỉ ra những nhiệm vụ quan trọng của văn hóa trong thời kỳ đầu cách mạng. Nhiều văn nghệ sĩ trong đó có các họa sĩ đã tốt nghiệp hoặc đang là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hưởng ứng đề cương này. Họ đã tham gia Hội Văn hóa cứu quốc bằng hoạt động nghề nghiệp mỹ thuật. Trong cách mạng tháng Tám, nhiều họa sĩ đã trực tiếp tham gia ngay từ những ngày đầu, họ vẽ tranh cổ động, bích chương, truyền đơn… phục vụ cách mạng.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã lên đường đi Việt Bắc, khu Ba, khu Bốn, miền Trung, vào bưng biền Nam Bộ, phục vụ trong các cơ quan nhà nước, báo chí, các đoàn văn hóa kháng chiến, quân đội, một số khác hoạt động trong vùng địch hậu. Vốn sống và những tư liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của các họa sĩ, đặc biệt là sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc và Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập. Nhiều tác phẩm lớn đã được xuất hiện và có vị trí trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số bảo tàng mỹ thuật của các nước khác.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 61 họa sĩ đã hy sinh anh dũng. Các họa sĩ miền Bắc thay nhau đi chiến trường, đi tuyến lửa, làm việc trong các cơ sở công nghiệp, văn hoá, giảng dạy trong nhiều lĩnh vực, nghệ thuật ở nhiều cơ quan khác nhau để thâm nhập thực tế họ đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh cuộc sống xây dựng ở miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. Nhiều họa sĩ đã tham gia tại các cơ quan, xí nghiệp vừa công tác, vừa chiến đấu trong các lực lượng dân quân tự vệ, góp phần đưa mỹ thuật phục vụ kháng chiến, và phục vụ các mặt văn hóa, xã hội, phục vụ sản xuất công nông nghiệp.../.
Mỹ Bình
TTXVN