Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng, có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất vì vậy cần triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Sạt lở nhiều nơi ở diện “báo động”
Xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở bờ sông. Toàn xã có đến 6 thôn thường xuyên bị sạt lở, trong đó có 4 thôn nằm trong diện “báo động” là Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà và Đông Thành.
Thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh có 117 hộ dân, trong đó gần 50 hộ dân đang phải sống trong cảnh bất an, lo lắng vì tình trạng sạt lở đất. Vị trí của thôn nằm ngay chính giữa ngã ba hai nhánh sông Son và sông Rào Nan nên cứ vào mùa mưa, nước sông từ thượng nguồn đổ về là đi thẳng vào thôn Cồn Nâm gây sạt lở.
Trưởng thôn Cồn Nâm Nguyễn Văn Toàn cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở thôn diễn ra hết sức nghiêm trọng, có đoạn nước sông đã “ăn” sâu vào đất liền hơn 15m làm diện tích đất sản xuất của người dân bị giảm đáng kể, đe dọa đến nhà cửa và các công trình của nhân dân. Mỗi năm, diện tích đất nông nghiệp dọc bờ sông cứ bị lấn dần, chỗ nhiều thì 2-3m, chỗ ít nhất cũng 1-2m. Cột báo đường thủy trước đây nằm trên đất liền nay đã bị xô đổ nằm sát mép sông do sạt lở đất. Nhiều nhà dân nằm sát mép sông, cứ mỗi lần mưa lũ về diện tích đất ở trước cổng nhà bị sạt lở là người dân lại phải mua xi măng thuê người đắp lại nếu không nhà cửa sẽ bị cuốn trôi.
Bên cạnh sạt lở bờ sông thì tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Kè biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có nhiệm vụ chống sạt lở bờ biển, bảo vệ hơn hai nghìn hộ dân, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp và đường giao thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, nhiều đoạn kè biển đã xuống cấp và hư hỏng.
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho hay, bờ biển Cảnh Dương có chiều dài khoảng 1.950m, trong đó rất nhiều tuyến kè biển đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là tuyến kè dài gần 422m đã được đầu tư xây dựng từ năm 2017, sau bão số 13 năm 2020 đã bị sóng đánh sập nhiều đoạn gây mất ổn định cho toàn tuyến. Hiện nay, tình trạng xói lở đang diễn biến phức tạp theo hướng cực đoan, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa kè trên là rất cấp bách.
Tại tỉnh Tiền Giang, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn diễn ra ngày càng phức tạp với quy mô, mức độ sạt lở gia tăng về số lượng và trên diện rộng, đòi hỏi kinh phí lớn để khắc phục. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 - 2019, tỉnh đã phải đầu tư gần 232 tỷ đồng xử lý, khắc phục 415 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh rạch, với tổng chiều dài trên 42.600m.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 92 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh rạch, với tổng chiều dài trên 3.600m (gần bằng số điểm sạt lở cả năm 2019). Tình trạng sạt lở diễn ra tại hầu hết các tuyến sông, rạch, kênh, mương lớn nhỏ trên địa bàn với quy mô và mức độ ngày càng lớn, phức tạp làm hư hỏng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng, nhà cửa của nhân dân... Trong đó, những tuyến sông và kênh rạch như: Sông Vàm Vé (huyện Gò Công Tây), Kênh 14 cấp nước cho các huyện duyên hải phía Đông, kênh Nguyễn Tấn Thành, kênh Thuộc Nhiêu - Cầu Sao (huyện Châu Thành), sông Ba Rài (huyện Cai Lậy), sông Cái Bè, Kênh 8 (huyện Cái Bè),... thường xuyên bị sạt lở nặng.
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển với tổng chiều dài bờ biển là 254 km (bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km), trong đó có trên 80% tổng chiều dài bị sạt lở.
Bờ biển Tây sạt lở với chiều dài khoảng 57km, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Hiện, tình trạng sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn. Những cánh rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao.
Bờ biển Đông có chiều dài sạt lở nguy hiểm khoảng 48km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29,5km, tập trung trên địa bàn các xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); xã Đất Mũi, xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).
Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển trên địa bàn tỉnh đã bị mất khoảng hơn 4000 ha, sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hỏng nhiều Km đường bê tông, nhiều căn nhà bị thiệt hại...
Tại đê biển Tây đoạn qua huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài khoảng 1.700m, gây nguy cơ vỡ đê.
Ngoài ra, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch còn xảy ra ở thành phố Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre...
Theo Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến tháng 3/2022, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 626 điểm/794 km sạt lở (bờ sông 578 điểm/588km, bờ biển 48 điểm/206km), trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 94 điểm/179km (bờ sông 69 điểm/80km, bờ biển 25 điểm/99 km).
Lý giải về vấn đề này, cơ quan chức năng tại các địa phương đều cho rằng, sạt lở bờ sông, bờ biển do biến đổi khí hậu và các công trình xây dựng đầu nguồn sông Mê Công khiến dòng nước chảy mạnh hơn. Cùng với đó là nền đất yếu, kè biển yếu lại chịu ảnh hưởng của thủy triều; mật độ kênh rạch dày đặc với nhiều ngã ba, ngã tư có dòng chảy xiết gây xói lở. Ở hạ nguồn, tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông và hành lang giao thông thủy, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông... quá mức cũng khiến tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn.
Hướng tới những giải pháp hiệu quả
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 về Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có đề cập đến công tác phòng, chống, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đã có những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai Tăng Quốc Chính, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập các giải pháp quan trọng để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đặc biệt là việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển hạn chế nguy cơ sạt lở. Đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; nghiên cứu xây dựng phương án chỉnh trị sông, bờ biển đảm bảo phát triển bền vững vùng ven sông, ven biển,…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bên liên quan trình Chính phủ và Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 6.622 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xử lý sạt lở bờ sông, đê biển. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xử lý cấp bách các khu vực sạt lở.
Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi làm nhà ở cho người dân tại vùng ngập lũ thường xuyên và vùng sạt lở nguy hiểm thuộc các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, từ nay đến năm 2025 được vay vốn xây dựng nhà ở tại các cụm tuyến dân cư mới, với mức vay tối đa 40 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay tối đa 15 năm đối với các hộ nghèo và cận nghèo, 10 năm đối với các hộ khác...
Để tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, Vụ trưởng Tăng Quốc Chính cho rằng, cần triển khai, thực hiện tốt Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Trong đó, các địa phương tập trung vào các nhiệm vụ như rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch bờ sông, bờ biển; triển khai thực hiện các các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở.
Tổng cục phòng, chống thiên tai phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phòng chống sạt lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nói riêng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương làm cơ sở thực hiện.
Tổng cục phòng, chống thiên tai phối hợp với các địa phương triển khai việc quản lý, di dời dân cư khỏi khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển. Tổng cục cũng cập nhật, tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ về kinh phí cho các địa phương xây dựng công trình và xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.
Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở; chủ động bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thắng Trung