Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Giảm thiểu rủi ro thiên tai (Bài 2)

Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra hộp số tự động. Ảnh: Bích Huệ -TTXVN
Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra hộp số tự động. Ảnh: Bích Huệ -TTXVN

Cảnh báo sớm và hành động sớm khí tượng thủy văn sẽ giúp người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, việc cảnh báo sớm và hành động sớm phải gắn chặt với thực tế diễn biến của thiên tai mới đạt được hiệu quả.

Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Giảm thiểu rủi ro thiên tai (Bài 2) ảnh 1Nhờ có cảnh báo sớm về thiên tai, Bộ đội Biên phòng đồn Sơn Trà chỉ dẫn cho tàu thuyền vào neo đậu an toàn trong Âu Thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), ứng phó với cơn bão số 5 trong tháng 9/2021. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN

Bài 2- Cảnh báo sớm và hành động sớm gắn chặt với thực tiễn

Dự báo sớm, hành động sớm phải phù hợp với thực tế

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) Mai Văn Khiêm, cảnh báo sớm và hành động sớm là đòi hỏi, mong muốn của mỗi tổ chức khí tượng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau, luôn song hành với nhau và không thể tách rời. Cảnh báo sớm và hành động sớm mang tính cấp thiết nhằm hành động ngay lập tức để giải quyết các rủi ro khí hậu, giảm thiểu thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.

Giám đốc Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhấn mạnh, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã có rất nhiều cố gắng, tiến bộ. Chất lượng dự báo ngày càng được cải thiện tốt hơn. Nhiều trận bão hiện nay cơ quan dự báo đã có thể cảnh báo trước từ 5 ngày (trước đây chỉ tối đa 3 ngày) ngay từ khi bão còn ở phía Đông của Philippines và liên tục được cập nhật để thông tin chính xác hơn. Hệ thống tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã vào cuộc tích cực, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin về diễn biến thiên tai và các biện pháp phòng, tránh.

Tuy nhiên, việc cảnh báo sớm để hành động ứng phó sớm phải phù hợp với tình hình diễn biến thiên tai. Người dân cần cập nhật thường xuyên những bản tin dự báo, cảnh báo ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn để có kế hoạch ứng phó hiệu quả nhất như: việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện... Tránh trường hợp không theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin thiên tai của cơ quan chuyên môn, các cơ quan truyền thông dẫn tới việc chuẩn bị các kế hoạch ứng phó chưa sát thực, hiệu quả gây khó khăn hoặc bị động trong công tác phòng, tránh thiên tai.

Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Giảm thiểu rủi ro thiên tai (Bài 2) ảnh 2Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra hộp số tự động. Ảnh: Bích Huệ -TTXVN

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khẳng định, cảnh báo sớm mà không hành động sớm, việc cảnh báo trở nên vô nghĩa. Hành động mà không phù hợp với diễn biến thực tế dẫn đến hiệu quả ứng phó thấp, đôi khi lãng phí hoặc gây khó khăn, thiệt hại trong công tác phòng, tránh thiên tai. Người dân phải sử dụng cả thông tin dự báo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để xây dựng các phương án hành động sớm phù hợp, được hiểu đơn giản như: điều khiển phương tiện giao thông trên đường, người lái xe phải vừa phải quan sát gần để xử lý các tình huống, đảm bảo lái xe an toàn nhất, vừa phải quan sát xa để định hướng được đường đi, tránh bị động.

Đề cập đến những yếu tố cần thiết để đảm bảo hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả, ông Mai Văn Khiêm cho rằng, trước hết cần phải hiểu được hiểm họa để phòng, tránh. Cùng với đó, hệ thống quan trắc, dự báo phải được tự động hoá, hiện đại hóa và mang tính đảm bảo.

Ngoài ra, những người sống trong vùng nguy cơ hiểm họa phải được phổ biến những cảnh báo, biến thông tin cảnh báo sớm thành hành động sớm. Ngày nay, các dự báo không còn dừng ở thông tin ngày mai thời tiết thế nào mà dần dịch chuyển sang dự báo tác động - thông báo cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Ngoài ra, khả năng ứng phó của cộng đồng sống trong vùng nguy cơ hiểm họa rất quan trọng, bởi thiếu bất kỳ nhân tố nào trong các yếu tố trên cũng có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống”, ông Khiêm khuyến cáo.

Hướng tới các giải pháp hiệu quả

Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành Khí tượng Thủy văn đang xây dựng các giải pháp để tăng cường dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, dự báo các rủi ro, tác động của thiên tai đến từng đối tượng chịu tổn thương; tìm kiếm các nguồn nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo như: địa nhiệt, sóng, gió và năng lượng mặt trời, các nguồn vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống không thân thiện với môi trường và khí hậu.

Ngành Khí tượng Thủy văn đã phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo, đồng thời tích cực phối hợp với các trường, viện nghiên cứu để tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác khí tượng thủy văn. Mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành Khí tượng Thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; hình thành và phát triển được thị trường dịch vụ, công nghệ khí tượng thủy văn phục vụ đa mục tiêu, đa lĩnh vực.

Nhân Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Giảm thiểu rủi ro thiên tai (Bài 2) ảnh 3Nhân viên Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tổng hợp số liệu, theo dõi diễn biến bão từ hình ảnh vệ tinh. Ảnh: TTXVN

Sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và chính quyền địa phương là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa và ứng phó tốt hơn trước thiên tai. Đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tính phức tạp trong những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Đại dịch cũng cho thấy, trong thế giới phẳng ngày nay, cần áp dụng cách tiếp cận đa thiên tai, xuyên biên giới để đạt được tiến bộ hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hâu, thiên tai ngày càng xảy ra khắc nghiệt, đại dịch COVID-19 làm gia tăng những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Khí tượng Thủy văn, cơ quan quản lý thiên tai, chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí truyền thông để tăng cường khả năng phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.

Giám đốc Mai Văn Khiêm nêu rõ, thống nhất, đoàn kết, chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động đúng lúc, đúng chỗ giúp Việt Nam biến rủi ro thành cơ hội để phát triển, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi, cả hiện tại và trong tương lai.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm