Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas trong cuộc họp báo về khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 25/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người đứng đầu WMO Petteri Taalas (Pi-tê-ri Ta-a-lát) nêu rõ không có dấu hiệu của việc chững lại, hay sụt giảm mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển bất chấp tất cả các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo WMO, lượng khí CO2 có trong khí quyển trong năm 2018 ở mức 407,8 ppm, cao hơn so với mức 405,5 ppm của một năm trước đó. WMO nhấn mạnh mức tăng này cao hơn so với mức tăng trung bình hằng năm trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính khác là methane và nitrous oxide có trong khí quyển cũng chạm mức kỷ lục trong năm 2018.
Khói bốc lên tại một nhà máy nhiệt điện ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo WMO, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng đồng nghĩa với việc những thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với sự tác động nghiêm trọng ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, thiên tai xuất hiện nhiều hơn, mực nước biển tăng, nước ngọt khan hiếm và hệ sinh thái đất và biển bị tác động.
Khói bốc lên tại một nhà máy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các đại dương và toàn bộ hệ sinh thái trên Trái Đất hấp thụ khoảng 25% lượng khí thải hiện nay. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) khẳng định để duy trì sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 1,5 độ C, lượng khí thải CO2 ròng phải giảm xuống mức 0, đồng nghĩa với việc lượng khí CO2 thải ra khí quyển phải tương đương với lượng khí CO2 đã được loại bỏ thông qua sự hấp thụ của thiên nhiên hoặc bằng các công nghệ khác.
Thanh Hương