Trẻ em vùng cao có quyền tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng

Trẻ em vùng cao có quyền tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng
"Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1" là chủ đề hội thảo quốc tế diễn ra ngày 12/6 tại Hà Nội do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức.
Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, cập nhật xu hướng chăm sóc và phát triển trẻ thơ trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, thu hút 290 đại biểu tham dự, trong đó có các học giả, nhà nghiên cứu và cán bộ chỉ đạo giáo dục mầm non ở các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Lào…

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Giáo dục mầm non của Việt Nam nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ thông qua các dự án. Trong đó, dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non 2013-2017” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp thêm nguồn lực để Việt Nam đạt được các mục tiêu phổ cập.
Trẻ em vùng cao có quyền tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng ảnh 1Phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Ảnh minh họa: Internet.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục mầm non có vai trò quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục mầm non và đã ban hành nhiều chính sách phát triển.

Tuy nhiên, giáo dục mầm non Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thấp và còn khoảng cách giữa các vùng, miền về giáo dục mầm non (đặc biệt là vùng núi cao, vùng Đồng bằng sông Cửu Long…).

Thông tin đưa ra tại hội thảo cho thấy: Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở nước ta đã đạt được những kết quả tốt, góp phần quan trọng để tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ. Năm học 2016-2017, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học đạt hơn 92%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%.

Tính đến hết tháng 3/2017 đã có 80,17% số trẻ mẫu giáo, 85,5% trẻ 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa tại lớp, hơn 41% số trường mầm non được đánh giá ngoài đạt chuẩn kiểm định cấp độ 1 trở lên, 95,5% số cán bộ quản lý và giáo viên mầm non hoàn thành bồi dưỡng chuyên môn …

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết: Phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trẻ em vùng cao có quyền tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng ảnh 2Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở nước ta đã đạt được những kết quả tốt, góp phần quan trọng để tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ. Ảnh minh họa: Internet.
Trong 5 năm qua, tất cả các tỉnh, thành phố của nước ta đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đặc biệt, Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non” được coi là một dự án lịch sử, đóng góp quan trọng cho công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đây là dự án đầu tiên của giáo dục mầm non hỗ trợ thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu trong nước, quốc tế chia sẻ thông tin về những vấn đề nổi bật của giáo dục mầm non trên thế giới và trong khu vực, trong đó có vấn đề về chính sách, chương trình phát triển, điều kiện đảm bảo chất lượng, sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ thơ phù hợp với điều kiện cụ thể...

Đặc biệt, các chuyên gia cũng chia sẻ những kinh nghiệm, thành quả thực tiễn trong quá trình triển khai giáo dục mầm non nói chung và trong công tác tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ nói riêng...

PV
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm